Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực miền trung

NDO - Sáng nay, 24/2, tại tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực miền trung. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội; UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, với 236 điều, trong đó có nhiều nội dung mới:

Cụ thể, thứ nhất là đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Nội dung mới thứ hai là hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Điểm mới thứ ba là quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Thứ tư là dự thảo luật hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.

Thứ năm là hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ sáu, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.

Nội dung thứ bảy là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Điểm mới thứ tám quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển…

Hội nghị đã nghe báo cáo của 12 tỉnh, thành phố miền trung về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân.

Qua tổng hợp cho thấy, các nội dung như: quy định cụ thể việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; vấn đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai… nhận được sự quan tâm và ý kiến đóng góp nhiều nhất.

Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng góp ý cụ thể vào từng chương, mục, những kiến nghị sửa đổi gửi tới cơ quan soạn thảo dự án luật; những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cơ sở.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực miền trung ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước, là tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đồng thời phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Vì thế phải làm sao để chính sách đó được thể chế hoá một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

Đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành phố khu vực miền trung trong việc hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian đóng góp còn lại không nhiều nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trước thực tiễn phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp thực tiễn và được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).