Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu cho Quảng Ninh

NDO -

Ngày 25-6, Đoàn công tác của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Công thương đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu.

Đoàn công tác của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Công thương đi khảo sát hoạt động XNK tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Đoàn công tác của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Công thương đi khảo sát hoạt động XNK tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Đoàn do các đồng chí: Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương dẫn đầu.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh kế hoạch và tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện của tỉnh tăng công suất phát điện. Đồng thời, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện trong nước thực hiện tiếp nhận than đúng với hợp đồng đã ký với ngành than và theo biểu đồ cấp than cho điện đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Bộ Công thương hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tư vào tỉnh.

Đề nghị Bộ Công thương, Ban Đối ngoại Trung ương quan tâm ủng hộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm vào thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời điều chỉnh một số quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn quản lý và phát triển công nghiệp, thương mại. 

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu -0
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công thương, đề nghị Quảng Ninh cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn trung và dài hạn đối với phát triển ngành công nghiệp, dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương và chiến lược của quốc gia.

Dựa trên nền tảng công nghệ mới để tiếp tục khai thác hiệu quả ngành công nghiệp than, phát triển ngành công nghiệp vật liệu, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất; phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế ban đêm, dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch biển, du lịch sinh thái.

Đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phát triển thương mại nội địa; phát triển điện tử, kinh tế số; tiếp tục nâng cấp các chợ. Bộ Công thương tiếp thu kiến nghị của Quảng Ninh và sẽ có văn bản trả lời cụ thể từng nội dung.

Sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm qua, có đóng góp quan trọng của ngành Công thương. Sản xuất than vẫn tăng trưởng ổn định, giữ vai trò là ngành kinh tế lớn của tỉnh, đang dần chuyển dịch theo hướng bền vững.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt 38,95% so cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % so kịch bản, đóng góp 3,74 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Kết quả này khẳng định tư duy đột phá, quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược, tầm nhìn dài hạn của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, ngành công nghiệp luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững tỷ trọng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để sản xuất sạch hơn. Những vỉa khai thác than lộ thiên sẽ được tỉnh Quảng Ninh đóng cửa theo đúng lộ trình, đồng thời sẽ đóng các mỏ khai thác đá quanh vịnh Hạ Long và các nhà máy sản xuất xi-măng.

Thương mại, dịch vụ được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng, dựa trên tiềm năng, lợi thế có cảng hàng không, đường cao tốc, cảng biển, các cặp cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động thương mại biên mậu.

Hiện nay, ngoài các cặp cửa khẩu được nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dành nguồn lực đầu tư, hình thành nên các kho ngoại quan, cầu phao tạm tại Km3+4, đã thu hút được lượng lớn doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công thương ủng hộ, giải quyết những kiến nghị của ngành than, ngành điện và hỗ trợ phát triển liên kết vùng giữa Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác Bộ Công thương đã đi khảo sát thực tế hoạt động xuất, nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.