Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giáo dục Tây Nguyên phát triển

Trong những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đã có bước phát triển toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống trường lớp mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Ðắk Lắk trong năm học 2022-2023.
Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Ðắk Lắk trong năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, so với cả nước thì giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong giai đoạn 2011-2022, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Ðào tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi tỉnh và toàn vùng. Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương vùng Tây Nguyên với cả nước.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm, năm 2021 là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011… Nhờ đó, đến năm 2022, toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học; các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đi học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT.

Ðến năm học 2021-2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng 494 cơ sở so với năm học 2010-2011. Ngoài ra, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân viện của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với việc mở rộng cơ sở giáo dục, các tỉnh vùng Tây Nguyên tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Năm học 2021-2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn vùng đối với trường mầm non là 42,23%, trường tiểu học là 59,14%, trường THCS là 50,49% và trường THPT là 35,58%. Toàn vùng có 66,9% phòng học được kiên cố hóa; chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cải thiện.

Năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ ở nhà trẻ suy dinh dưỡng toàn vùng giảm xuống còn 4,84%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng còn 8,24%; tỷ lệ trung bình học sinh lên lớp đối với cấp tiểu học là 98,29%, cấp THCS là 98,04% và cấp THPT là 98,18%. Ðặc biệt, đến nay về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 đến 60 tuổi biết chữ là 97,6%.

Với đặc thù là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đến nay, toàn vùng đã phát triển được 59 trường phổ thông dân tộc nội trú, với khoảng 13.533 học sinh và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú với khoảng 12.494 học sinh, trong đó có 49 trường phổ thông dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Trong năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%, THPT đạt 98,7%; tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú THCS hoàn thành cấp học đạt 92%..., góp phần quan trọng nâng cao trình độ văn hóa, tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…

Nhưng không ít khó khăn cần được tháo gỡ

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển giáo dục và đào tạo ở khu vực Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc như: Quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa bảo đảm môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy, học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước và tỷ lệ học sinh các cấp bỏ học cao hơn bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục nhiều nơi còn hạn chế do đời sống nhân dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên được điều động, tăng cường, luân chuyển từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn còn gặp một số vướng mắc. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn khó khăn làm tăng thêm áp lực về thiếu giáo viên…

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức mới đây tại Ðắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được thì sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn như: Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đang thiếu so với định mức quy định, chưa đáp ứng việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, thu nhập của giáo viên còn thấp; hệ số, tỷ suất đầu tư cơ sở vật chất, cơ cấu tài chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng dân cư, các dân tộc còn khá lớn; mức độ thiệt thòi trong thụ hưởng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn tồn tại…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, toàn tỉnh thiếu 973 giáo viên và thiếu nguồn dự tuyển ở một số bộ môn như tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng còn hạn chế về nhiều mặt...

Ðể tháo gỡ những khó khăn hiện tại, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị thời gian tới, các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo.

Các tỉnh cần chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn; có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển các cơ sở giáo dục tư thục; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định; có kế hoạch đặt hàng, định hướng các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với địa phương.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các địa phương cần có nhận định, đánh giá về đặc điểm của vùng, của địa phương để kịp thời đưa ra những chính sách, định hướng phát triển phù hợp; tập trung cao độ cho việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đổi mới hiệu quả giáo dục. Giáo dục phổ thông ở Tây Nguyên phải bảo đảm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề ra mục tiêu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Ðến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.