Tháo gỡ khó khăn, bất cập để thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến

NDO - Đại biểu Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay để có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường ngày 8/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường ngày 8/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án

Trình bày Báo cáo công tác năm 2022, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05 ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tính đến nay, đã có 622 Tòa án, gồm 3 Tòa án nhân dân cấp cao, 62 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 557 Tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án (hình sự 2.988 vụ, dân sự 234 vụ, hành chính 245 vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án 147 vụ).

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập để thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến ảnh 1

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 tại phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Việc xét xử trực tuyến các vụ án hình sự, nhất là các vụ án hình sự về các tội phạm xâm hại tình dục; về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; tội phạm khác có nhiều người tham gia tố tụng tạo điều kiện cho người bị hại, người làm chứng, luật sư… tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn.

Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính giúp hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần; hạn chế việc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện. Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động này đã nhận được sự phản hồi tích cực của những người tham gia tố tụng và sự đánh giá rất cao của cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án dân sự đã giúp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ đương sự, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; tiết kiệm được nhiều chi phí cho đương sự khi phải trực tiếp đến Tòa án tham dự phiên tòa.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) bày tỏ đồng tình với những kết quả bước đầu của việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, đồng thời khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 là rất kịp thời và cần thiết.

So với tổng số 504.681 vụ việc đã được giải quyết trong năm, thì số vụ việc được xét xử trực tuyến (3.614 vụ) là không cao, chỉ chiếm 0,7%, nhưng trong cả nước, số tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được phiên tòa trực tuyến là tương đối cao.

Các phiên tòa xét xử trực tuyến được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

Cùng với những đánh giá về ưu điểm trong báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Hà cho rằng việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến còn giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng đến địa điểm mở phiên tòa, nhất là đối với các phiên tòa phúc thẩm của tòa cấp cao, tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng bởi phòng xử án thông thường.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập để thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) tham gia ý kiến về nội dung phiên tòa trực tuyến. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng cho rằng quá trình triển khai phiên tòa trực tuyến còn một số khó khăn, vướng mắc như: cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ; các điểm cầu đôi lúc bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật; áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị…

Từ những kết quả và thực tiễn nêu trên, để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Hà đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện để có giải pháp thực hiện đồng bộ.

Đồng thời, quan tâm phát huy hiệu quả của tòa án điện tử, trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án nhân dân tối cao, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xét xử; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, bảo đảm đồng bộ về công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tòa án nhân dân tối cao.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến; xây dựng quy định pháp luật về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến cũng như các quy định về xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính dân sự.

Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến có ý nghĩa rất quan trọng và tạo được niềm tin trong nhân dân, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cũng đề nghị đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động này.