Tháo gỡ các vướng mắc khi bệnh viện tự chủ

Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các bệnh viện nói riêng là một quyết sách lớn của Nhà nước đang được triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. (Ảnh minh họa)
Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. (Ảnh minh họa)

Cả nước hiện có khoảng 1.400 bệnh viện công lập, thời gian qua, có hai bệnh viện (Bạch Mai và K) thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện (theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ), còn lại là tự chủ ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm thí điểm tự chủ toàn diện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cho nên cả hai bệnh viện này đều xin dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP và kiến nghị thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với “đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026”-đơn vị nhóm hai theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xin dừng thí điểm thực hiện tự chủ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Theo chia sẻ của lãnh đạo hai đơn vị, cả bốn nội dung chính của thực hiện tự chủ toàn diện (tổ chức bộ máy và nhân sự; đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn) đều bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.

Tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, các đại biểu đều cho rằng thực hiện tự chủ nhưng các bệnh viện vẫn phải bảo đảm các yếu tố: công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải; tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội.

Chính vì vậy để giúp các bệnh viện tự chủ, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đã bộc lộ trong thời gian qua, nhất là tại hai bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện.

Áp dụng mô hình tự chủ nào (theo các nhóm) thì cũng cần giao những quyền cụ thể cho các bệnh viện, từ các hoạt động chuyên môn đến tổ chức cán bộ, đầu tư mua sắm, giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Cần để các bệnh viện tự quyết định xem đơn vị mình thuộc nhóm tự chủ nào, bởi họ sẽ chịu trách nhiệm trước sức khỏe của người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thì nguồn tài chính là một trong những yếu tố quyết định. Nhưng qua hai năm thí điểm, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lại không do các bệnh viện này tự chủ.

Cụ thể giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ. Còn giá dịch vụ theo yêu cầu, theo quy định Bộ Y tế ban hành khung giá trần, các bệnh viện quyết định giá đối với dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá trần đó.

Tuy nhiên, đến nay, đã hết cả thời gian thí điểm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá trần cho nên các bệnh viện công lập không có cơ sở tham chiếu.

Vì vậy, dù đã quá muộn, Bộ Y tế cần sớm ban hành khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu làm cơ sở để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án tự chủ về mặt tài chính. Mặt khác, Bộ Y tế cần có lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ bảy yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, các quy định liên quan để giúp các bệnh viện thực hiện tự chủ đúng quy định và đạt mục tiêu. Đó là quy định về thực hiện liên doanh, liên kết tại các bệnh viện; tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao; chính sách thuế sử dụng đất…; xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế, hiện nay ngành y tế là một ngành đặc thù, việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động rất đặc biệt nhưng tiền lương thì chưa đặc biệt.