Tháo dỡ hộ lan tôn sóng cao tốc là phá hoại tài sản quốc gia

NDO -

Sau khi nhận được phản ánh hộ lan tôn sóng trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị tháo dỡ trái phép để kinh doanh quán cơm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, chiều 10-3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra, xử lý. Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện khẳng định, đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, sẽ xử lý nghiêm vi phạm, có thể xem xét khởi tố hình sự…

Lực lượng chức năng kiểm tra, rào chắn lại các điểm hộ lan, tôn sóng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị tháo dỡ để kinh doanh hàng ăn, đổ nước mui xe ô-tô. (Ảnh: KHÁNH NAM)
Lực lượng chức năng kiểm tra, rào chắn lại các điểm hộ lan, tôn sóng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị tháo dỡ để kinh doanh hàng ăn, đổ nước mui xe ô-tô. (Ảnh: KHÁNH NAM)

Phá hàng rào, tháo hộ lan để kinh doanh

Vài hôm trước, trên trang Facebook cá nhân của nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) Đoàn Ngọc Hải đã phản ánh trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái bị người dân tháo dỡ trái phép hộ lan tôn sóng để kinh doanh hàng ăn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ông Hải cũng đặt câu hỏi, liệu có hành vi trục lợi bao che, bởi có năm quán thì chỉ ba quán “được" cưa hộ lan, còn hai quán thì không.

Tại buổi kiểm tra trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoàn công tác của Tổng cục ĐBVN đã ghi nhận, tại Km182+600, ngoài việc một số người dân tháo bỏ một đoạn hộ lan bên đường, chủ kinh doanh một quán cơm còn rải đá dăm trước khu vực bán hàng, biến thành chỗ đậu đỗ phương tiện cho các lái xe. Cách đó vài trăm mét, tại Km181+400 cũng đang có ba, bốn nhà hàng mở dịch vụ ăn uống cho lái xe.

Trước tình trạng người dân phá hộ lan kinh doanh, CTCP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã nhiều lần hàn đóng lại những điểm tháo mở nhưng cứ hàn xong lại tiếp tục bị phá, tập trung chủ yếu tại các lý trình (Km181, Km182, Km190, địa bàn xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái).

Lãnh đạo VECS cho biết, trên đoạn tuyến này, các điểm hàng quán nước mui được người dân mở ra kinh doanh trái phép đều nằm ngoài hàng rào dây thép gai, B40 của đường cao tốc. Người dân thường xuyên cắt phá hàng rào thép gai, B40 để đi qua. Ngoài việc mở hàng rào B40, tại một số điểm, người dân còn tự ý tháo mở tôn hộ lan trái phép để tạo lối đi lại. VECS đã phối hợp địa phương thực hiện đóng nhiều lần nhưng chưa được xử lý triệt để.

Lý giải nguyên nhân, đại diện VECS cho rằng, sau khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành đưa vào khai thác, có một số hộ dân yêu cầu phải có đường gom. Tuy nhiên, trong quy hoạch thiết kế tuyến cao tốc này lại không có đường gom, dẫn đến khi đưa vào khai thác người dân không cho rào hộ lan một số vị trí. Các điểm này đã tồn tại từ nhiều nhiều năm nay nhưng không xử lý được.

VECS đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương để rào lại các điểm bị phá dỡ. Tuy nhiên, mỗi lần đi rào lại gặp phản ứng dữ dội của người dân, thậm chí có người sử dụng dao, gậy đuổi lực lượng chức năng.

Nói về trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong việc bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, Phó Tổng Giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi cho biết, quá trình thiết kế và làm việc với tất cả các địa phương liên quan trước đây, đã có ý kiến thống nhất cao về các điểm mở, nút giao, đường gom dân sinh, cống dân sinh,... tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia giao thông.

“Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, tất cả các bên cũng chưa nhìn nhận được hết khó khăn, vướng mắc của người dân, sau khi tuyến đường đưa vào khai thác bảy năm mới xuất hiện. Với trách nhiệm là chủ đầu tư, VEC đã hoàn thành dự án theo phê duyệt,” ông Nhi cho hay.

Lãnh đạo VEC kiến nghị, địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần quyết liệt giải tỏa hành lang, kinh doanh trái phép hai bên đường. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cần xử lý kịp thời việc dừng, đỗ vào hàng quán của các lái xe để tạo sự răn đe, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến cao tốc trọng điểm.

Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên) Nguyễn Quyết Chiến cho hay, các nhà tạm được chủ hộ dựng lên tại khu vực tháo dỡ hộ lan đều không có giấy tờ sở hữu theo quy định của pháp luật, chính quyền cơ sở đã lập biên bản xử phạt nhiều lần. Tuy vậy, suốt thời gian qua, công trình vẫn chưa bị giải tỏa và chủ hộ ngang nhiên tháo dỡ hộ lan mở bán hàng ăn uống.

Xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm

Chỉ đạo tại hiện trường, Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện nhận định, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc chưa hoàn chỉnh nên một số đoạn thiếu đường gom. Một số đoạn có đường gom nhưng chưa bảo đảm độ dốc cho người dân đi lại.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện giao Cục Quản lý đường bộ 1 phối hợp địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống đường gom, kết nối đường gom với hầm chui dân sinh, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải để xử lý dứt điểm, kiên quyết đóng tất cả các điểm hộ lan bị tháo, bảo đảm an toàn giao thông.

“Các hộ kinh doanh không giấy phép hoặc trên đất không có giấy tờ sở hữu thì phải giải tỏa theo đúng quy định của pháp luật. Tránh trường hợp người dân kinh doanh tự phát, tạo cơ hội cho các lái xe dừng, đỗ trái phép, ăn uống gây mất an toàn giao thông. Đối với các đối tượng cố tình phá dải phân cách, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, phải khởi tố hành vi phá hoại tài sản quốc gia”, ông Huyện khẳng định.

Thừa nhận việc người dân ngang nhiên tháo hộ lan của tuyến cao tốc là vi phạm pháp luật và gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, ông Huyện cũng đề nghị VEC và địa phương nghiên cứu phương án nâng chiều cao hộ lan để ngăn chặn tình trạng lái xe trèo qua hộ lan, lách rào vào ăn uống như hiện nay. Tuy nhiên, việc giải quyết căn cơ không phải là đóng hộ lan, vì thế địa phương phải quyết liệt giải tán hành lang, các điểm kinh doanh trái phép hai bên đường; việc dừng, đỗ vào hàng quán của các lái xe cũng phải được xử nghiêm.

“Đơn vị vận hành của VEC nhắc nhở, tuyên truyền, phối hợp các bên liên quan, bảo đảm an toàn giao thông. Trên tuyến cao tốc này đã có 10 khu dừng nghỉ đủ điều kiện, tiện nghi cho xe dừng đỗ ăn uống nghỉ ngơi, do đó không sử dụng các quán tự phát ở bên đường, ảnh hưởng an toàn giao thông trên tuyến”, ông Huyện yêu cầu.

Cục trưởng Quản lý Đường bộ I Trần Hưng Hà cho biết, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý, chủ các quán cơm này đóng lại nhưng khi không có lực lượng chức năng, họ lại mở trộm bằng cách tháo các ốc nối giữa các đoạn của hộ lan để kinh doanh, cho xe của khách hàng vào quán sau đó đóng lại. Ở đây không phải là cắt hộ lan mà chỉ là tháo ốc nối giữa các thanh hộ lan tôn sóng.

“Cục Quản lý đường bộ I và Chi cục Quản lý đường bộ I.3 đã nhiều lần lập biên bản với VEC, yêu cầu VEC phải phối hợp địa phương xử lý. Được biết, đơn vị này cũng đã nhiều lần họp với địa phương chỉ đạo xử lý nhưng các chủ quán cơm này làm vụng trộm nên khó xử lý”, ông Hà cho biết.

Theo quy định, trách nhiệm quản lý hành lang đường bộ là của địa phương và đơn vị quản lý tuyến đường. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Tổng cục ĐBVN sẽ cùng phối hợp các bên để xử lý. Các điểm vi phạm này đã nhiều lần bị xử lý nhưng xử lý xong lại bị đối tượng vi phạm phá hộ lan để kinh doanh.

Hiện nay, nước ta mới có 1.200km cao tốc, trong vòng 5 năm nữa, dự kiến có khoảng 5.000km, vì thế việc quản lý, bảo đảm hành lang an toàn giao thông rất quan trọng, đòi hỏi chế tài nghiêm khắc và cơ quan chức năng địa phương kiên quyết hơn, xử lý thường xuyên liên tục và triệt để.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245km, đi qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, thông xe toàn tuyến năm 2014; tổng mức đầu tư 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1).

Dự án xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.