Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu, gồm lãnh đạo của bảy tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận; lãnh các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Vùng Đông Nam Bộ với diện tích toàn vùng khoảng 31.373 km2, bằng 9,4% diện tích cả nước. Dân số khoảng 19,06 triệu người, chiếm 19,8% cả nước.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Đông Nam Bộ là khu vực hội tụ đủ cả năm phương thức vận tải: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, và đường biển.
Có thể thấy, các quy hoạch về hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ về cơ bản đã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia với hạt nhân vùng là TP Hồ Chí Minh, theo mô hình nan quạt được kết nối với các tỉnh trong khu vực bằng các tuyến quốc lộ với là đường bộ cao tốc và vành đai vùng, đường sắt, đường thủy; giao thông đối ngoại thông qua cảng biển và cảng hàng không.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực này; hạ tầng hàng không đáp ứng sau khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành và nâng cấp sân bay Côn Đảo, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Còn hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn đang là nút thắt của khu vực.
Các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh.
Tình trạng quá tải diễn ra cả trên một số tuyến đường bộ, sân bay, cảng biển và đường thủy nội địa nên chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chi phí chưa hợp lý, kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng; hạ tầng hiện vẫn là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng nếu không sớm được cải thiện.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía nam là rất quan trọng. Vùng này vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng do là thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm; ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
PGS, TS Trần Đình Thiên đề xuất, các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận thể chế phát triển vùng, theo đó, thực thể vùng có lợi ích tổng thể, có thực lực ngân sách… Song song với đó, cần thay đổi cách tiếp cận lợi ích - lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp - khi chung sức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, không phải là “tranh chấp lợi ích” mà là phối hợp các tuyến lợi ích với nhau dể đạt được những kết quả có lợi nhất cho cả vùng.
PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có “nhạc trưởng” để đặt ra ưu tiên về đầu tư, thậm chí là chia sẻ lợi ích giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, để sự phát triển của địa phương này cũng là niềm vui, cộng hưởng cho sự phát triển của các tỉnh còn lại; cần có một cơ chế đủ mạnh để xác định thế mạnh của từng tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ. Thậm chí, còn cần cả cơ chế để các tỉnh không chỉ cùng đóng góp nguồn lực để phát triển mà còn có cơ chế để chia sẻ lợi ích từ sự phát triển đó.