Văn hóa Việt nói chung, văn hóa Thăng Long-Hà Nội nói riêng đều gắn với những dòng sông. Vùng đất Thanh Trì ở phía nam kinh thành có vị trí đặc biệt. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, trên địa bàn còn có sông Tô Lịch và sông Nhuệ chảy qua, bởi thế, bất cứ nơi nào trên địa bàn cũng mang dấu ấn của những ngôi làng cổ.
Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống, gồm 90 di tích đã được công nhận xếp hạng (trong đó 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 25 di tích xếp hạng cấp thành phố). Có 6 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.
Cùng với hệ thống các di sản vật thể được hiện hữu và bảo tồn, Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương. Tiêu biểu như Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thanh Trì cũng là nơi nhiều địa phương có truyền thống múa lân, sư, rồng, với những đội mạnh thường xuyên đoạt giải cao trong các Liên hoan khu vực và thành phố.
Nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng văn hóa , con người trên địa bàn, ngày 22/10/2020, Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/HU về “Phát triển văn hóa–xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện”.
Tiếp đó, cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn di sản, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xây dựng Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2026”. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 356 tỷ đồng.
[Ảnh] Trai làng Triều Khúc múa "con đĩ đánh bồng" giữa lòng Thủ đô
Triển khai Đề án, huyện Thanh Trì đã rà soát, kiểm tra hiện trạng 48 di tích, 29/29 di tích đã hoàn thành các bước thỏa thuận chuyên ngành, được nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo với nhu cầu vốn đầu tư 475,2 tỷ đồng. Nhiều di tích đã triển khai thi công và đưa vào sử dụng, phấn đấu bảo đảm tiến độ hoàn thành tu bổ toàn bộ 29 di tích vào năm 2026.
Huyện cũng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 15 di tích; nâng cấp xếp hạng di tích từ cấp quốc gia lên cấp Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích đình thờ Chu Văn An; tổ chức đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới 20 di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện cũng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật, cổ vật; phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán Nôm tại 154 di tích, số hóa dữ liệu về các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện.
Đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Thanh Trì có nhiều lễ hội đặc sắc. Nổi bật nhất là Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều), nơi thờ Bố Cái Đại Vương. Lễ hội có điệu múa trống bồng (hay con đĩ đánh bồng) và đã được ghi vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau rà soát, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì nhận thấy giá trị của Lễ hội Tổng Nam Phù nên đã triển khai lập hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội của vùng tưởng nhớ công ơn của hai vị công chúa con vua Lý Thánh Tông đã có công dựng chùa, bỏ tiền bạc mua ruộng, dạy nghề cho nhân dân, hàng năm vào các ngày từ 14-16/3 âm lịch.
Lễ hội có tới 10 làng của tổng Nam Phù xưa tham gia, nay gồm các thôn: Đông Phù, Mỹ Ả, Đông Trạch, Văn Uyên, Tranh Khúc, Tương Trúc, Tự Khóa, Việt Yên, Mỹ Liệt thuộc các xã: Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá thuộc xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Việc xây dựng hồ sơ cũng đã giúp nhân dân địa phương hiểu thêm giá trị của lễ hội.
Trong khi đó, chính quyền địa phương hỗ trợ để nhân dân xã Tứ Hiệp gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, trong đó có điệu múa rồng truyền thống tại thôn Cổ Điển A. Nhiều năm qua, Thôn đã duy trì đội múa rồng để gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên song song với việc tổ chức một đội múa rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về di sản văn hóa, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Huyện cũng tăng cường các giải pháp huy động mọi nguồn lực, sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội; đầu tư tu bổ di tích và xếp hạng các di tích trên địa bàn; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật, cổ vật, thực hiện phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán Nôm, lập bản đồ hệ thống di tích, số hóa dữ liệu về các di tích để phát huy hơn nữa giá trị di sản.