Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Chiều 14/4, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình trao đổi hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tổ chức Chương trình trao đổi hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận.
Quang cảnh buổi tổ chức Chương trình trao đổi hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận.

Chương trình hợp tác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của 2 địa phương trong tình hình mới. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2014-2022, Ninh Thuận đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng vốn hơn 31.500 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận Lê Kim Hoàn cho biết: “Đến thời điểm này, có 45 dự án của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư trên các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ... tại tỉnh Ninh Thuận với tổng mức khoảng 60.000 tỷ đồng”.

Cùng với đó, thông qua chương trình hợp tác toàn diện, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng của hoạt động y tế, nhất là công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, triển khai các hoạt động của Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh; việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mới được tăng cường thường xuyên.

Hoạt động du lịch đã thu hút nhiều du khách tại Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan, nghỉ dưỡng,...

Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1
Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác, kinh doanh và phát triển hệ thống cảng biển và chuỗi logistics của Cảng Sài Gòn và Cảng Cà Ná giữa Công ty cổ phần Sài Gòn và Trungnam Group.

Giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, 2 địa phương đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ đầu tư, xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư; kinh nghiệm trong thu hút và cải tiến các thủ tục đầu tư.

Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa 2 địa phương; liên kết website về kêu gọi đầu tư của Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích, trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của 2 địa phương hợp tác, liên kết đầu tư và kinh doanh hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội mang tính vùng, liên vùng. Thành phố Hồ Chí Minh luôn hỗ trợ mọi điều kiện có thể để góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Đồng chí Phan Văn Mãi

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các sở, ngành tương ứng của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung hợp tác để triển khai thực hiện đạt kết quả như mong muốn.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ trương hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 địa phương trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế, đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thắt chặt mối quan hệ, tạo tiền đề bền vững cho sự hợp tác lâu dài.

“Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội mang tính vùng, liên vùng. Mục tiêu là tạo sự kết nối rộng hơn nữa để các tỉnh đã ký kết hợp tác với thành phố có điều kiện ký kết với các tỉnh lân cận để cùng hỗ trợ nhau khai thác có hiệu quả tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, mỗi vùng. Thành phố luôn hỗ trợ mọi điều kiện có thể để góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước", đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, lãnh đạo 2 địa phương và lãnh đạo các sở, ngành đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác, kinh doanh và phát triển hệ thống cảng biển và chuỗi logistics của Cảng Sài Gòn và Cảng Cà Ná giữa Công ty cổ phần Sài Gòn và Trungnam Group, mở ra sự kết nối giao thông hàng hóa đường bộ và đường thủy, là bước khởi đầu giúp 2 doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận cùng nhau phát huy thế mạnh, góp phần vào quá trình vươn lên của các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, đặc biệt là Ninh Thuận.