Giải khó cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Với tinh thần khẩn trương và chủ động bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi đối thoại với các chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh NGỌC HÀ)
Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh NGỌC HÀ)

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh trước đó, 36 chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong cơ chế giá, việc triển khai các hợp đồng mua bán điện.

Tính toán giá bảo đảm đúng quy định

Vừa qua, 36 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam đã cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Các nhà đầu tư cho rằng: Quá trình ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, việc giao cho EVN, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp thực tiễn, phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa phù hợp và chưa khách quan.

Giải đáp các kiến nghị nêu trên, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thông tin: Theo các quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền ban hành khung giá phát điện (trong đó có khung giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp), Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện áp dụng đối với dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. EVN có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Công thương xem xét, phê duyệt.

Ngày 3/10/2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Hội đồng tư vấn độc lập để lấy ý kiến về khung giá phát điện cho Dự án chuyển tiếp được thành lập theo Quyết định số 2334/QĐ-BCT ngày 7/11/2022 của Bộ trưởng Công thương, theo đó, Hội đồng gồm 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng. Việc tổ chức tính toán rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan, đơn vị liên quan được thực hiện từ ngày 20 đến 30/11/2022. Vì vậy, việc dự thảo và ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT hoàn toàn bảo đảm trình tự và thủ tục theo quy định.

Cũng theo Bộ Công thương, FIT là Cơ chế biểu giá hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.

Tại buổi đối thoại giữa các bên mới đây, đại diện EVNEPTC đã trình bày làm rõ các nội dung yêu cầu theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện. Phía EVNEPTC cho biết, đến ngày 19/3, công ty có nhận được 1 hồ sơ của Nhà máy Điện gió Nam Bình, qua kiểm tra sơ bộ khá đầy đủ và phương pháp tính giá điện theo đề xuất của EVN; công ty sẽ kiểm tra và đáp ứng đề nghị của nhà đầu tư.

EVNEPTC cho biết đã lập 3 tổ đàm phán, rà soát hồ sơ và nếu hồ sơ của đơn vị nào đủ điều kiện sẽ đàm phán ngay. Nếu nhà đầu tư cung cấp đủ các hồ sơ theo yêu cầu, đơn vị sẽ xem xét, kiểm tra hồ sơ đáp ứng các điều kiện là nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thì công ty và chủ đầu tư thống nhất kế hoạch để đàm phán và ký tắt hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư; tính toán và đàm phán giá; phương pháp tính toán giá điện căn cứ theo Thông tư số 57/2020/TT-BCT. Hiện Bộ Công thương chưa có hướng dẫn phương pháp tính toán, cho nên EVN dự kiến đề xuất với Bộ phương pháp xác định giá điện theo chiết khấu dòng tiền, tương tự như quy định tại Thông tư số 57.

Cụ thể, giá điện sẽ gồm 2 thành phần: giá cố định và giá vận hành và bảo dưỡng (tương tự các nhà máy thủy điện). Giá cố định xác định phương pháp dòng tiền tương tự như phương pháp quy định tại Thông tư số 57 với các thông số đầu vào, gồm tổng mức đầu tư (toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án, gồm cả chi phí đặc thù, được xác định theo quy định, phù hợp thiết kế cơ sở. Ngoài ra, còn có các thông số tài chính được xác định theo thực tế vay, đã giải ngân tại thời điểm hiện tại và có so sánh với cơ cấu vốn vay trong thiết kế cơ sở.

Cụ thể, giá điện sẽ gồm 2 thành phần: giá cố định và giá vận hành và bảo dưỡng (tương tự các nhà máy thủy điện). Giá cố định xác định phương pháp dòng tiền tương tự như phương pháp quy định tại Thông tư số 57 với các thông số đầu vào, gồm tổng mức đầu tư (toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án, gồm cả chi phí đặc thù, được xác định theo quy định, phù hợp thiết kế cơ sở.

Các thông số kỹ thuật; sản lượng điện tính toán; vòng đời dự án (20 năm theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT); chi phí vận hành và bảo trì; khấu hao tài sản cố định, thuế thu nhập doanh nghiệp và các thông số tính toán còn lại theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT. Đối với các nhà máy đã vận hành thương mại một phần, EVN kiến nghị đàm phán và tính toán giá điện với các thông số đầu vào tính toán của các nhà máy để áp dụng giá điện với phần dự án này.

Chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư

Hiện nay, các chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề về cơ chế chính sách, các hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, khung giá điện được Bộ Công thương ban hành chưa phù hợp thực tiễn, cần tính toán lại trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập.

Mức giá được ban hành “chưa phù hợp”, nên cần tính toán lại để có chính sách lâu dài bảo đảm cho dòng đời dự án, thực hiện theo quy định. Trong thời gian thực hiện đàm phán giá, doanh nghiệp này đề nghị EVN cần huy động sản lượng từ các dự án đã hoàn thành (tổng công suất hơn 2.090 MW); mức giá huy động, cần áp dụng bằng 90% giá điện nhập khẩu (tương đương 6,95 US cent/kW giờ), thấp hơn khung giá và có thể áp dụng hồi tố. Việc huy động nguồn này theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình là để tránh lãng phí trong khi có thời điểm EVN phải mua điện than giá cao.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Đại Dương cho rằng, nỗi khó khăn của nhà đầu tư là do chính sách chưa hoàn chỉnh. Ông dẫn chứng, EVN xin ý kiến chỉ đạo để hướng dẫn hợp đồng mẫu, song các văn bản quy định là trách nhiệm của Bộ Công thương, không có hướng dẫn cụ thể, khiến nhà đầu tư phải đi khắp nơi để hỏi. Ông Bình kiến nghị với những thủ tục đang thiếu, các cấp cần tạo điều kiện cho các đơn vị sớm hoàn thành.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng, với xu thế công nghệ ngày càng phát triển, nhất là năng lượng tái tạo có công nghệ cơ bản không phức tạp như các nguồn điện truyền thống và cần được đối xử công bằng như các dự án nguồn điện khác, nhưng vẫn có ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… về đầu tư năng lượng tái tạo, chứ không phải đã hết ưu đãi.

Với xu thế công nghệ ngày càng phát triển, nhất là năng lượng tái tạo có công nghệ cơ bản không phức tạp như các nguồn điện truyền thống và cần được đối xử công bằng như các dự án nguồn điện khác, nhưng vẫn có ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… về đầu tư năng lượng tái tạo, chứ không phải đã hết ưu đãi.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)

Sau thời hạn kết thúc giá FIT, các dự án đã có hợp đồng mua bán điện nhưng không kịp vận hành thì chuyển sang cơ chế giá chuyển tiếp. Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp. Ông Hùng cũng khẳng định, Bộ Công thương chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp; đề nghị EVN hướng dẫn nhà đầu tư quy trình, các bước từ nộp hồ sơ, đàm phán khi đủ tài liệu; hoặc thực hiện đàm phán song song cùng quá trình hoàn thiện; trường hợp tài liệu còn thiếu, thì cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung tới khi ký hợp đồng mua bán điện, bảo đảm các dự án/phần dự án tuân thủ đúng quy định pháp luật.

EVN và các đơn vị liên quan ghi nhận ý kiến của các chủ đầu tư, đồng thời, mong muốn Bộ Công thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định, làm căn cứ để hai bên đàm phán. Về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân bày tỏ, EVN chia sẻ khó khăn, vất vả của các nhà đầu tư; cho rằng cần phải tăng cường hợp tác, nếu còn vướng mắc thì cùng nhau xử lý với tinh thần cầu thị, chia sẻ trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Mới đây nhất, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.