Tiềm năng phát triển của vùng nam đồng bằng sông Hồng được đánh giá còn khá lớn. Do đó, các địa phương trong vùng cần có những bước đột phá, trước hết là tăng cường khả năng liên kết trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để cùng phát triển.
Mới chỉ dừng ở kết nối giao thông nội tỉnh
Ông Trần Văn Từng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cho biết: Trước đây, xã Xuân Hòa bị coi là xã “đuối” ở huyện Xuân Trường. Hệ thống giao thông của xã đều là đường đất, đá gồ ghề, chỉ vừa cho xe ba gác, xe công nông. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Xuân Hòa tập trung làm đường từ đồng về nhà, từ nhà ra ngõ và đường đến trung tâm xã.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay xã Xuân Hòa đã làm được năm tuyến đường trục chính với tổng chiều dài 7,7km và hơn 6,6km đường liên thôn và 42km đường ngõ xóm. Mặt đường trục xã được thiết kế rộng 5,5m, trải nhựa, có biển báo giao thông, có gờ giảm tốc. Đường ngõ xóm rộng từ 3,5m đến 5,5m, đường liên thôn rộng hơn 4m. Đáng nói là nhiều tuyến đường của Xuân Hòa hiện nay đã kết nối với nhiều xã khác của huyện Xuân Trường và nhiều xã ở huyện Hải Hậu, huyện Giao Thủy trong tỉnh Nam Định.
Việc kết nối giao thông nông thôn đã làm tăng khả năng thông thương hàng hóa. Nhiều ngành nghề mới ở địa phương như nghề mộc, cơ khí, kinh doanh vật liệu xây dựng phát triển mạnh. Xã đã hình thành hai chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực là gạo Bắc Thơm số 7 và có ba sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Từ vị trí “cuối sổ”, Xuân Hòa đã vươn lên nhóm đầu của huyện Xuân Trường, được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí giao thông đạt ở mức cao.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, đến nay, Nam Định có tới 182 xã, thị trấn (chiếm 89%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bảy xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương trong tỉnh đã làm được 1.491km đường liên xã, 2.822km đường thôn xóm, 3.969km đường ngõ xóm và 2.914km đường nội đồng. So với 10 năm trước, bộ mặt giao thông nông thôn Nam Định đã thay đổi rõ nét.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường cho biết: Giao thông nông thôn ở Nam Định hiện nay đáp ứng tiêu chí thứ hai trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, nếu tiêu chí về giao thông nâng cao hơn mức quy định hiện nay, thì nhiều nơi không có đất để mở đường, nhất là khi thiết kế đường giao thông nông thôn theo quy hoạch là đường cấp 3 đồng bằng có mặt đường rộng từ 11 đến 12m hoặc đường cấp 4 đồng bằng có mặt đường rộng từ 7 đến 9m sẽ khó thực hiện.
Thực tế nêu trên cho thấy rõ giao thông nông thông vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều vấn đề bất cập, mạng lưới giao thông mới chỉ dừng lại ở mức kết nối nội tỉnh. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình chia sẻ, Thái Bình có gần 1.000km đường trục xã được trải nhựa, bê-tông hóa với bề rộng ít nhất 3,5m và gần 7.000km đường thôn xóm, đường nội đồng.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh còn hạn chế cho nên việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp, bảo trì đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn. Một số tuyến đường tỉnh có quy mô nhỏ hẹp chạy qua các làng quê từ lâu chưa được đầu tư nâng cấp, chưa đáp ứng được xu thế gia tăng phương tiện cá nhân, làm cản trở lưu thông hàng hóa và gây khó khăn cho người dân đi lại.
Giao thông đi trước một bước
Việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn vùng nam đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua chủ yếu là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục chính của các xã, đường thôn, ngõ xóm truyền thống, mà chưa chú trọng tới phát triển giao thông liên vùng. Vì thế, nhiều tuyến đường tuy được người dân hiến đất mở rộng, nhưng mặt đường vẫn nhỏ hẹp, các phương tiện cơ giới khó tiếp cận để phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn chưa đầu tư đồng bộ, chưa xây dựng được hệ thống thoát nước, mặc dù đường trục chạy qua khu dân cư; hầu hết các tuyến đường chưa được lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo, gây mất an toàn giao thông hoặc một số xã, huyện trong vùng chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, duy tu, sửa chữa đường do không có kinh phí cho nên tuổi thọ công trình không cao.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra tiến độ thực hiện tuyến đường đông-tây kết nối giao thông liên vùng. (Ảnh XUÂN TRƯỜNG) |
Khắc phục hạn chế đó, nhiều tỉnh trong vùng đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo đột phá mới về xây dựng hệ thống giao thông liên vùng. Tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 10 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ninh Bình triển khai nhiều dự án về giao thông, tiêu biểu là dự án xây dựng đường hành lang đông-tây của tỉnh.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Ninh Bình Phạm Quốc Chính cho biết: Tuyến đường hành lang đông-tây có vai trò kết nối các đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp, huyện vùng biển Kim Sơn (Ninh Bình) và các vùng phụ cận với quốc lộ 1, quốc lộ 12B. Dọc tuyến sẽ có thêm nhiều không gian, quỹ đất rộng rãi có thể thu hút các nhà đầu tư khai thác các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng cho biết: Hà Nam đang tích cực rà soát hệ thống đường giao thông từ huyện đến thôn, xóm để tiếp tục đầu tư đổ bê-tông, rải nhựa mở rộng mặt đường giao thông nông thôn có bề rộng từ 5,5m trở lên.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Hà Nam giai đoan 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao thông ở Hà Nam đang hướng tới kết nối đường tỉnh với đường liên kết vùng, quốc lộ và đường cao tốc. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giao thông sẽ chiếm hơn 60% so với diện tích đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Tương tự, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Thái Bình cũng đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực khai thác, rút ngắn thời gian tiếp cận các trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của tỉnh và khu vực. Do vậy, Thái Bình đang tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phấn đấu hoàn thiện các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thiện tuyến đường liên kết từ thành phố Thái Bình đi bãi biển Cồn Vành-đi nút giao Đồng Tu để kết nối thông thương hàng hóa với tỉnh Hưng Yên.
Phát triển hạ tầng giao thông liên vùng sẽ mở ra dư địa mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, các tỉnh vùng nam đồng bằng sông Hồng cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch tỉnh; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là ưu tiên phát triển mạng lưới đường bộ liên hoàn, khép kín ở các vùng nông thôn.
Đồng thời chú trọng kết nối giao thông nội đồng với giao thông làng, xã, kết hợp bố trí các điểm dừng, đỗ phương tiện hợp lý để người dân có thể bán nông sản ngay bờ ruộng hoặc tại từng hộ gia đình, từ đó tăng khả năng thông thương hàng hóa, nhất là ở những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, các làng nghề truyền thống.
Đó là tư duy mới về phát triển giao thông nông thôn thích ứng đời sống sản xuất nông nghiệp ở vùng nam đồng bằng sông Hồng đang được các địa phương trong vùng tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.