Theo Ban tổ chức, Chương trình Bình ổn giá trên địa bàn Thành phố được triển khai lần đầu năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng Tết trong dịp Tết Nguyên đán. Sau 20 năm thực hiện đã có sự chuyển biến căn bản từ nhận thức “Bình ổn giá” sang nhận thức “Bình ổn thị trường”. Từ mục tiêu ban đầu là cố định giá cả mùa Tết, đến nay Chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung-cầu hàng hóa, giảm tối đa các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán…
Cùng với đó, phát huy mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình. Giai đoạn đầu, Chương trình chỉ có thành phần kinh tế nhà nước tham gia. Đến nay, Chương trình đã huy động tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện bình ổn thị trường. Nguồn vốn thực hiện Chương trình được chuyển từ hình thức nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa sang hình thức xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp.
Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay Chương trình thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; bảo đảm nguồn cung dồi dào, bền vững. Đồng thời phát triển nhanh hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả logistics, giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch từ giá thành sản xuất đến và giá bán tiêu dùng. Quy mô của Chương trình ngày càng mở rộng, danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường tăng từ một nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên 4 nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng).
Năm 2021 và 2022 Chương trình được bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian thực hiện ban đầu chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, từ năm 2010 đến nay Chương trình được triển khai thực hiện xuyên suốt cả năm. Từ nguyên tắc cố định giá, đến nay Chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời; bảo đảm hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.
Đồng chí Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. |
Xuyên suốt 20 năm, Chương trình kiên trì các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời ưu tiên phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đến nay, Chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa, quy mô Chương trình ngày càng lớn. Từ nguồn vốn ngân sách 45 tỷ đồng, doanh thu Chương trình đạt 344 tỷ đồng năm 2002; từ năm 2013, Thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng; đến năm 2022 doanh thu của Chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng. Kết quả, tổng sản lượng hàng hóa bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Với nguồn cung ổn định, thị phần lớn, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý và phân phối rộng khắp, Chương trình là công cụ điều tiết thị trường thông qua quy luật cung-cầu, sử dụng nguồn lực thị trường để điều tiết thị trường. Bên cạnh đó, Chương trình góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, Chương trình góp phần làm minh bạch thị trường hàng hóa trên địa bàn Thành phố, hạn chế và dần triệt tiêu tình trạng tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá tùy tiện ở các loại hình phân phối tại chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa...
Song song đó, Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, hiệu quả, đặc biệt là thúc đẩy đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống phân phối tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân… Chương trình hỗ trợ đầu ra, giúp doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, liên kết chặt, hình thành chuỗi cung ứng, trên hết là đầu tư về công nghệ, trang thiết bị, con giống, trang trại, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu…
Cùng với đó, Chương trình góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các chuỗi cung ứng liên vùng, gắn kết thị trường giữa các địa phương, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh và nâng tầm hợp tác phát triển kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương, nhất là các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, theo hướng thiết thực và hiệu quả; thể hiện vai trò đầu tàu của Thành phố trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Để Chương trình được triển khai đạt kết quả tốt trong thời gian tới (giai đoạn 2022-2023), đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Sở Công thương và các sở, ban, ngành thành phố triển khai hiệu quả Quy chế của Chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối hợp, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp các địa phương khác trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đạt chuẩn gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng của Chương trình, đó chính là “Giá cả hợp lý-Chất lượng nâng cao”.
Người dân mua sắm hàng hóa (thực phẩm, trái cây) bình ổn thị trường tại một siêu thị ở thành phố. |
Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Cùng với đó, tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung-cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ. Song song đó, phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp “đầu đàn” trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.