Tăng cường liên kết thu hút du khách đến đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 16/12, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị “Tổng kết Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo, qua triển khai thực hiện, Chương trình liên kết đã từng bước tạo nên hiệu ứng lan tỏa và mang đến nhiều kết quả tích cực, đến cuối năm 2022, tổng số khách đến đồng bằng sông Cửu Long hơn 44 nghìn lượt, tăng 201,2% so cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú hơn 11 nghìn, tăng 138,9% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch đến cuối năm 2022 ước đạt 33.977 tỷ đồng, tăng 216,9% so cùng kỳ 2021.

Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang khẳng định, việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đây là sự kiện được xem là sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trọng đại nhất trong vùng và cả nước, nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy, phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là thị trường khách quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Thư đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ trong chương trình liên kết hợp tác sẽ thực hiện trong năm 2023.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các vấn đề như chú trọng liên kết xây dựng sản phẩm phù hợp các thị trường du lịch tiềm năng; chưa có sản phẩm du lịch nổi bật mang đặc trưng riêng; cơ sở hạ tầng còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu đi lại; nên tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá và giới thiệu du lịch chung của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long tại các thị trường trong nước trọng điểm khu vực các tỉnh miền trung và các tỉnh phía bắc.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất triển khai các hoạt động quảng bá, ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã được công bố trong các hoạt động du lịch tại các địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề nhằm nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn phục vụ du lịch tại 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long…

Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong năm 2023, thành phố sẽ đề xuất tập hợp tập trung thực hiện 4 nội dung trọng tâm như tăng cường liên kết, xây dựng các sản phẩm sao cho mới hơn, đặc sắc hơn và hấp dẫn hơn; tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành phố với các doanh nghiệp du lịch, du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của vùng và thông tin đại chúng.

Đồng thời, thành phố cũng tăng cường quảng bá thương hiệu, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch vào Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long; song song đó tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh thành trong liên kết; tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng và đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển du lịch chung của Việt Nam cho phù hợp tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển chung của du lịch như quy định về miễn thị thực, thị thực điện tử, các gói hỗ trợ kích cầu du lịch…