Thành phố Hồ Chí Minh: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

NDO - Ngày 28/2, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Đối thoại ngân hàng-doanh nghiệp với chủ đề “Ngành Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển”.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Võ Minh Tuấn cho biết, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 có 13 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi với quy mô đạt 434.280 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, thông qua chương trình kết nối, các ngân hàng đã giải ngân cho 32.500 khách hàng số vốn 568.340 tỷ đồng (tăng 16,65% so với năm 2021).

“Kết quả này cho thấy, chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, khi tiếp cận được vốn tín dụng với lãi suất cho vay thấp, vay ngắn hạn khoảng 6%/năm và vay trung, dài hạn khoảng 10%/năm" - ông Võ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi vay vốn ngân hàng như: lãi suất ngân hàng quá cao; đất nông nghiệp được định giá thấp hơn nhiều lần so với thị trường, gây thiệt thòi khi vay vốn; khó tiếp cận vốn vay dành cho phát triển khoa học-công nghệ…

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tập trung 3 nội dung: Một là, tổ chức kết nối ngân hàng-doanh nghiệp theo chiều sâu, thực chất, thiết thực, hiệu quả gắn với định hướng nguồn vốn tập trung cho các lĩnh vực cần quan tâm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Hai là, đặt trọng tâm thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua phối hợp với Sở Công thương và các đầu mối khác, để đưa cơ chế chính sách đến với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố hiệu quả hơn.

Cuối cùng, phối hợp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, kết hợp thực hiện tốt chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Đến nay, sau gần 2 tháng, tổng doanh số hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đạt 469.000 tỷ đồng.

Trong đó, giảm lãi suất cho vay 300.000 tỷ đồng; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ trên 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói này tại địa bàn đạt trên 15.000 tỷ đồng).

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá cao chương trình đối thoại và cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại mới có thể hợp tác và đồng hành cùng phát triển.

Cho đến nay, các cuộc gặp gỡ có tác dụng, nhưng chưa giải quyết được hết mong muốn của doanh nghiệp. Vì thế, cần tiếp tục gặp gỡ và phải thực sự lắng nghe, thực sự hành động, thực sự giải quyết để cùng đồng hành, cùng đạt mục tiêu chung là hiệu quả.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị: “Việc triển khai chính sách của Trung ương trên địa bàn phải nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch. Cần thông tin cụ thể về các gói tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố để các doanh nghiệp tiếp cận giúp chính sách mới đi vào cuộc sống.

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Về phía doanh nghiệp, cũng phải tự sắp xếp để sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Đề nghị Sở Công thương, các sở, ngành,ngân hàng tập hợp vấn đề để giải quyết theo nhóm trong thời gian tới.

Mặt khác, các quận huyện phải khẩn trương và thường xuyêntổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

Tại hội nghị, 16 ngân hàng thương mại đã ký kết với 64 doanh nghiệp tổng gói tín dụng khoảng 11.000 tỷ đồng.

Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỷ đồng.