Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí cho 17 bệnh viện

NDO - Những khó khăn của các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chi trả thu nhập tăng thêm là hệ quả của tự chủ bệnh viện chưa bền vững, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch Covid-19, số lượt khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu của bệnh viện giảm sút tương ứng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách Thành phố hỗ trợ cho 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, kết quả đạt được rõ nét nhất là ngân sách Thành phố chi cho lĩnh vực y tế giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (2020), một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện còn gặp khó khăn và bắt đầu xuất hiện những khoảng cách giữa các bệnh viện công lập với nhau, và các khoảng cách này ngày càng rõ nét hơn, đó là khoảng cách về tỷ trọng nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Khoảng cách về quỹ phát triển sự nghiệp giữa các bệnh viện công lập với nhau; Khoảng cách về mức thu nhập tăng thêm giữa nhân viên y tế công lập đang công tác tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế; Khoảng cách về tần suất nghỉ việc của nhân viên y tế giữa các bệnh viện công lập.

Theo đánh giá của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như các bệnh viện đa khoa có tỷ trọng nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ yếu (trên 70%), còn nguồn thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ trọng thấp (dưới 30%), các bệnh viện chuyên khoa có tỷ trọng ngược lại, ít lệ thuộc nhiều vào khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (dưới 50%). Do đó, nếu cơ chế thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thật sự ổn định thì các bệnh viện đa khoa luôn chịu tác động nhiều hơn các bệnh viện chuyên khoa.

Về khoảng cách về quỹ phát triển sự nghiệp giữa các bệnh viện công lập với nhau, bên cạnh một số bệnh viện chuyên khoa có số dư quỹ phát triển sự nghiệp (từ nguồn chênh lệch thu chi theo quy định) ngày càng lớn, thì còn rất nhiều bệnh viện đa khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc trích lập quỹ này. Thậm chí, có bệnh viện không có nguồn để trích lập, nên rất khó khăn trong phát triển bệnh viện như sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đào tạo nhân viên,…

Tổng thu nhập tăng thêm trung bình của nhân viên y tế ở các bệnh viện thuộc Sở Y tế Thành phố dao động từ 7 triệu đồng đến 39 triệu đồng/tháng, trong đó các bệnh viện đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các bệnh viện chuyên khoa.

Ngoài ra, bệnh viện đa khoa có tần suất nhân viên nghỉ việc cao gấp 2 lần so với các bệnh viện chuyên khoa (8% so với 4%, số liệu năm 2019). Khoảng cách về tần suất nhân viên y tế nghỉ việc là hệ quả của sự chênh lệch về thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế giữa các bệnh viện công lập, do thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình buộc nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển đổi nghề.