Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”

NDO -

Sáng 10-6, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép”. 

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Dự và chủ trì hội nghị, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.

Kinh tế vừa phục hồi đã gặp thách thức

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, chia sẻ: “Thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe toàn dân - vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Trong năm tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế”.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27-4, thành phố lại xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc Covid-19. Thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) từ 0 giờ ngày 31-5. Đến nay, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Qua hội nghị này, lãnh đạo thành phố mong muốn nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lắng nghe những đề xuất, hiến kế nhằm giúp thành phố xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết: So cùng kỳ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 456 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% (trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%); kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 175 nghìn tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt phải kể đến sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19… Vì vậy, đã có 2.458 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tăng 5% so cùng kỳ); 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 23,79% so cùng kỳ.

Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua khảo sát của Hiệp hội tại 100 doanh nghiệp, có trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt dịch lần thứ 4. Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%. Áp lực lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm sức cạnh tranh thị trường giảm.

Theo ông Dũng, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thành phố cần có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 thật cự thể. Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, thành phố cần có gói hỗ trợ riêng, đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất như ngành du lịch, dịch vụ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và kịp thời động viên doanh nghiệp và người dân. Theo đó, Điện lực TP Hồ Chí Minh thực hiện giảm tiền điện cho hơn 2,39 triệu khách hàng với tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng; miễn tiền sử dụng nước sạch (100%) cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố; gia hạn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân (đã giải quyết 1.542 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp với số tiền hoàn hơn 9.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, về chính sách bảo hiểm xã hội, các sở, ngành liên quan đã xử lý hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 316 đơn vị với gần 30 nghìn lao động tương ứng với số tiền gần 309 tỷ đồng; khoảng 2.000 doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với gần 137 nghìn lao động. Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp; giải quyết chính sách cho trên 559 nghìn đối tượng người lao động (đạt 100%) của 5.274 đơn vị với kinh phí hỗ trợ hơn 611 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ tín dụng cho 255 nghìn khách hàng với số tiền trên 795 nghìn tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành sáu bộ tiêu chí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động: Du lịch; giao thông vận tải; dịch vụ ăn uống; tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; cơ sở giáo dục; bảo tàng, di tích, thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện thể dục thể thao…

Trước tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” bằng ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của thành phố về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng, chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Thứ ba, thành phố kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt, thành phố cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với DN du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021; cho phép DN lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian hai năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động…

Xây dựng ba kịch bản tăng trưởng năm 2021

Tại hội nghị, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 dựa trên yếu tố Việt Nam có vaccine và được triển khai tiêm chủng rộng rãi trong năm 2021, như sau:

Kịch bản thấp: Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 8-2021 thành phố mới có thể khống chế dịch bệnh, việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi hoàn toàn… Tốc độ tăng trưởng GRDP chín tháng đầu năm 2021 của thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt 5,02% và cả năm 2021 sẽ đạt 4,9% so cùng kỳ.

Kịch bản trung bình: Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 7-2021 thành phố kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì trong trạng thái phục hồi nhưng chưa nhanh, thành phố có khả năng nối lại một số đường bay quốc tế và kích cầu du lịch nội địa… Tốc độ tăng trưởng GRDP chin tháng đầu năm 2021 của thành phố sẽ đạt 5,26% và cả năm 2021 sẽ đạt 5,53% so cùng kỳ.

Kịch bản cao: Trong điều kiện thành phố sớm khống chế được dịch bệnh Covid-19 trong quý 2-2021. Song song đó, thành phố tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư… Tốc độ tăng trưởng GRDP chín tháng đầu năm 2021 của thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt 5,74% và cả năm 2021 sẽ đạt 6,37% so cùng kỳ.