Chiều 21/8, tại cuộc họp báo cung cấp tình hình phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hồ Chí Minh, cho biết: Do tâm lý lo lắng, hôm nay, 21/8, thành phố ghi nhận quá đông bà con đổ ra đường để mua hàng hóa. Điều này dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe dọa trực tiếp đến nguy cơ làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nếu tình trạng này không chấm dứt, thành phố sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố khẳng định, không thực hiện phong tỏa toàn thành phố trong hai tuần tới; thành phố cũng không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Thành phố khẳng định tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất mức độ lây lan của dịch bệnh. Theo đó, sẽ tăng cường về lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm chăm lo cho người dân và tăng cường siết chặt giãn cách xã hội.
Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh truyền thông nhanh việc TP Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong thời gian tăng cường biện pháp phòng, chống dịch để thực hiện siết chặt việc giãn cách từ sau 0 giờ ngày 23/8. Theo đó, thành phố sẽ phân vùng, mỗi vùng sẽ có quy định khác nhau.
Ở "vùng xanh" (vùng an toàn) và "vùng vàng" (nguy cơ thấp), thành phố chia làm 2 nhóm. Với người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng có thể đi chợ một lần mỗi tuần. Những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ của thành phố.
Hiện nay, thành phố đang có 2 triệu gói hỗ trợ an sinh và có thể nhiều hơn, cùng với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh để giúp đỡ người khó khăn. Tổ công tác đặc biệt sẽ phát các gói hỗ trợ này tới người dân một tuần một lần.
Ở "vùng cam" (nguy cơ cao) và "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao), thành phố cũng chia ra 2 nhóm tương tự. Với người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần. Phần còn lại, với những người khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ.
Ông Phạm Đức Hải cho biết: "Thành phố đã cung cấp cho các phường, xã gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Trường hợp địa bàn thiếu hàng hóa, thành phố sẽ đưa xe lưu động mang lương thực, thực phẩm tới để người dân mua".
Về công tác xét nghiệm trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thông tin, tại các khu phong tỏa, thành phố tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thành phố thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình. Nếu trường hợp dương tính, sẽ tiến hành giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định.
Trường hợp âm tính, có thể giải phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa thì tổ chức xét nghiệm lại sau 5 đến 7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới giải phong tỏa khi đủ điều kiện.
Đối với nơi ngoài khu vực khu phong tỏa, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tùy vào điều kiện thực tiễn, thành phố thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo phương pháp mẫu gộp hộ gia đình (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên).
Về năng lực xét nghiệm, đến chiều 20/8, thành phố đã đạt 5.283.258 mũi tiêm. Nếu tính người trên 18 tuổi, thành phố đã đạt 75%. Tuy nhiên, chủ trương của thành phố là tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả người đang sống trên địa bàn từ 18 tuổi trở lên thì đến nay thành phố đạt tỷ lệ 59%. Thành phố tiếp tục tăng tốc tiêm vaccine để đến 15/9 tổi thiểu 70% người dân trên 18 tuổi tiêm mũi 1; 15% tiêm mũi 2.