Đối với người nông dân nhiều miền quê, câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã không còn lạ lẫm. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Lương Văn Trường hiểu rõ điều này từ khi còn nhỏ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 2011, chàng thanh niên quê Nam Định quyết tâm thi vào Trường đại học Đà Lạt, theo học chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Với đức tính chăm chỉ, ước mơ ứng dụng khoa học-công nghệ đến nông thôn, Lương Văn Trường trở thành sinh viên xuất sắc của trường và được chọn là một trong 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước theo đề án cùng tên của Chính phủ. Từ năm 2012 đến 2016, chàng trai tài năng sinh năm 1989 là Phó Chủ tịch xã Lử Thẩn (nay là xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), phụ trách nông lâm nghiệp.
Sau 5 năm, Lương Văn Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tiếp tục theo đuổi ước mơ dang dở: Trở về góp sức trẻ làm giàu cho quê hương Nam Định. Trên những thửa ruộng hoang hóa, chàng trí thức trẻ bắt tay ứng dụng tri thức vào lao động, sản xuất miệt mài. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, canh tác quy mô lớn ngay từ đầu, mô hình của anh không thu được thành quả mong đợi. Đỉnh điểm, vào vụ mùa năm 2018, mưa lớn kéo dài khiến lúa giống cứ gieo lại thối, anh mất trắng gần năm tấn lúa giống, thiệt hại hơn một tỷ đồng.
Chính từ lần vấp ngã này, anh dồn sức nghiên cứu phương pháp biến hạt giống đã nảy mầm vào trạng thái “ngủ đông”. “Hạt giống được đưa về dạng khô và có thể nảy mầm trở lại sau 15-30 phút, giúp người nông dân dễ dàng gieo trực tiếp không qua ngâm ủ. Quy trình chi phí chỉ hai nghìn đồng/kg lúa giống, trong khi phương pháp ủ mầm tươi cần 10 nghìn đồng. Nếu áp dụng rộng rãi trên 7 triệu héc-ta lúa của cả nước, có thể tiết kiệm khoảng ba nghìn tỷ đồng”, anh Trường cho biết.
Sau khi làm chứng nhận tác quyền, anh Trường mang quy trình độc đáo tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức dưới mô hình “Nông trại Cờ Đỏ” và giành giải cao nhất. Cũng trong năm vừa qua, anh đã phát triển sáng chế thành thương phẩm gạo mầm tươi dinh dưỡng.
Theo nhà nông trẻ 8x, sản phẩm thật sự “tươi” cho nên giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Anh đã đăng ký độc quyền, bắt tay sản xuất và cung cấp cho một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía nam. Nhờ đó, trong năm 2021, “Nông trại Cờ Đỏ” thu về tổng doanh thu 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt khoảng một tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động.
Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy khởi nghiệp
Chúng tôi gặp lại anh Lương Văn Trường trong vai trò đại biểu chính thức tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022, do Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội. Anh tự hào chia sẻ: Việc cho lúa giống “ngủ đông” hiện vẫn là công nghệ chưa có đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu. Công nghệ này hiện đã được giới thiệu tới một số nhà đầu tư ở Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc... Bên cạnh đó, sản phẩm gạo mầm nấu ăn hằng ngày của anh cũng đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thế nhưng, bên cạnh những thành công đó, dường như “đứa con tinh thần” của anh và các cộng sự đang gặp không ít khó khăn. Lợi thế của một sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực tế lại trở thành rào cản lớn nhất. Hạt gạo mầm “thần kỳ” đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ nghiên cứu, kiểm chứng chuyên sâu từ các bộ, ngành để có thể tự tin tiếp tục nâng tầm chất lượng ở thị trường trong nước, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ thấp giá thành.
Vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn, e dè trước việc đồng hành với Nông trại Cờ Đỏ. Sản phẩm gạo mầm tươi nấu ăn cũng khó cạnh tranh với nhiều đối thủ tên tuổi trên thị trường, dù có thời gian bảo quản lâu hơn hẳn là 12 tháng. Trong khi đó, thị trường ngoài nước lại càng thận trọng hơn, không chỉ bởi tính mới của sản phẩm, mà còn nhiều lý do như bất đồng ngôn ngữ, thiếu vắng nhà đầu tư uy tín hỗ trợ trình diễn, giới thiệu mặt hàng...
Anh Lương Văn Trường thừa nhận, Diễn đàn có sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư tiềm năng, tuy nhiên tính kết nối chưa đủ để anh cũng như nhiều đại biểu khác có cơ hội tiếp cận.
“Tôi xuất thân là con nhà nông, cho nên mọi sáng chế đều hướng tới làm lợi cho người nông dân. Chúng tôi đang đầu tư nghiên cứu thêm về kỹ thuật trồng lúa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ để giảm thoái hóa đất, khí gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm chi phí cày bừa, phân bón và ngày công cho nông dân... Tuy nhiên, nếu không có sự quan tâm từ phía các cơ quan chức năng, bộ, ngành, đoàn thể, thì không chỉ riêng chúng tôi, mà những nhà khởi nghiệp còn non trẻ nói chung sẽ phải “tự bơi” quãng đường dài”, anh Trường cho biết.
Chuyên gia pháp lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thẩm Trung Hiếu, Đại diện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội Trần Đào Hạnh và một số đại biểu khác cũng cho rằng: Chính sách, pháp luật về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta còn nhiều rào cản. Cụ thể, các cổ đông Việt Nam tại doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khi cơ cấu lại, sẽ phải thành lập công ty mẹ tại nước ngoài rồi mới có thể đầu tư vào Việt Nam, tạo thành hai lớp thủ tục gây mất thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Nghị định 38 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng còn nhiều bất cập, thể hiện ở các quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, hay quy định chỉ cho phép có nhiều nhất 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập. Đáng chú ý, còn có quy định mức quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đầu tư không được vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị “thắt cổ chai”.
Tương tự, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế, nhưng không có hướng dẫn cụ thể về việc ưu đãi, áp dụng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhận định: Khung thể chế rất quan trọng do liên quan trực tiếp đến thúc đẩy khía cạnh “đổi mới sáng tạo” trong doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp phát triển phần mềm phải thích ứng, thay đổi liên tục, trong khi các quy định liên quan chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh, gây khó trong quy trình xin giấy phép và còn tiềm ẩn các rủi ro pháp lý.
Khung thể chế do đó cần linh hoạt hơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng không hạn chế quyền tự do kinh doanh mọi thứ gì pháp luật không cấm, thay vì cách hiểu cứ không có quy định là vi phạm.
Dẫn chứng về những thuận lợi, thách thức đan xen hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, những thay đổi đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại nước ta cần xuất phát từ tất cả các bên: Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.
Muốn làm được điều này, cần những chính sách sát thực tiễn để kích cầu tiêu dùng gắn với nâng cao chất lượng, hàm lượng công nghệ; đẩy mạnh yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường trong doanh nghiệp; tạo hành lang pháp lý phù hợp, khuyến khích các bạn trẻ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra phương thức, sản phẩm đột phá.
Thực tế, từ vài năm trở lại đây, nước ta xuất hiện nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như vườn ươm, quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm..., tạo không ít cơ hội cho những bạn trẻ đam mê làm giàu chính đáng.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, Chính phủ đã và đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số, tiêu biểu như: Triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các ngành nghề mới như công nghệ tài chính (fintech), xây dựng cơ sở dữ liệu với nhiều nội dung phục vụ khởi nghiệp sáng tạo trên Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia www.startup.gov.vn, tổ chức “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” hằng năm...
Mặc dù vậy, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn hiện hữu, và những bất cập liên quan không thể chỉ giải quyết trên giấy tờ. Hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, quảng bá, xúc tiến phát triển, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính, việc tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm... đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành, thấu hiểu sâu sắc hơn nhiều so với hiện tại.
Vì thế, bên cạnh việc xây dựng các chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần kiên trì thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất bằng cách đơn giản hóa, đưa ra những hướng dẫn chi tiết, phù hợp, kiểm soát tốt quy trình cho vay.
Song song với đó, các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam... cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương, trở thành cầu nối hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho đoàn viên, hội viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng các chương trình liên quan chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, sản xuất.
Tương tự, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bạn trẻ đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tự trang bị kiến thức để có thể nắm bắt cơ hội. Thực tế cho thấy, ngay trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít doanh nhân trẻ vẫn thành công, khẳng định vị thế của thanh niên trong tiến trình số hóa, ứng dụng khoa học-công nghệ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.