Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk; các trường trung học phổ thông trên địa bàn miền trung-Tây Nguyên, các trường đại học, các chuyên gia và các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước của Đại học Đông Á.
Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã trao Quyết định số 3186/QĐ-BGDĐT ngày 26/10/2022 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép thành lập Phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk cho Ban Giám hiệu và Hội đồng Trường đại học Đông Á; Quyết định cho phép Phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk chính thức khai mở hoạt động tuyển sinh và đào tạo.
Tọa lạc tại thành phố Buôn Ma Thuột, Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk được xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng 10ha, gồm 3 block nhà A, B, C đang vận hành với công năng 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng.
Quy mô đào tạo năm đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030 của phân hiệu gồm 6 ngành đào tạo: quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, công nghệ thông tin. Đây đều là các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài tại vùng Tây Nguyên và cũng là các ngành đào tạo thế mạnh trong quy mô 36 ngành thuộc 9 nhóm ngành của Đại học Đông Á.
Các đại biểu cắt băng thành lập Phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk. |
Phát biểu tại lễ công bố quyết định thành lập phân hiệu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á nhấn mạnh: Trường đại học Đông Á hiện có 36 ngành đào tạo, đến nay nhà trường đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho 22.622 cử nhân và 308 thạc sĩ; cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có tri thức, có kỹ năng, có bản lĩnh để lập thân, phụng sự, cống hiến cho gia đình, xã hội và đất nước.
Vì vậy, việc thành lập Phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk sẽ góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đặt kỳ vọng Trường đại học Đông Á tiếp tục phát huy tốt thế mạnh đào tạo và ưu thế kết nối việc làm cho sinh viên tại các thị trường nhân lực trong nước và các nước phát triển, thiết thực đóng góp cho việc thực hiện “mục tiêu kép” về chất lượng và việc làm cho nguồn nhân lực trong chiến lược dài hạn của địa phương và khu vực Tây Nguyên.
Đó là xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy quản trị và khả năng ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ hiện đại, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm tại chỗ của địa phương; và một nguồn nhân lực trình độ cao được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quốc tế tại các nước phát triển trở về đóng góp cho quê hương.
Đây không chỉ là nhu cầu mà còn là “xương sống” phát triển cho vị thế trọng yếu về kinh tế-xã hội của vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh và là một trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước theo định hướng nghị quyết của Bộ Chính trị.
Dịp này, Trường đại học Đông Á đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng sinh viên với các doanh nghiệp và đơn vị đối tác. Trong đó, VNPT Đắk Lắk và Đại học Đông Á ký thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số; đào tạo, phát triển và tuyển dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông-công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022-2025.
Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải và Đại học Đông Á ký kết biên bản hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực các ngành công nghệ thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị kinh doanh, kế toán làm việc ở các nông trường của Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải tại Việt Nam, Lào và Campuchia; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên Đại học Đông Á và các chuyên gia từ Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải.
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Đại học Đông Á phối hợp xây dựng “Vườn sưu tập cà phê” tại Trường đại học Đông Á; xúc tiến kết nối sinh viên Đại học Đông Á thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột; đồng thời, hợp tác cũng được kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái mới trong hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến cà phê.
Tại Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk, Quỹ học bổng Hoa Anh Đào Đại học Đông Á trao 14 suất học bổng khuyến học đến các học sinh trung học phổ thông nỗ lực vượt khó học giỏi trong năm học vừa qua trên địa bàn Tây Nguyên, mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng.