Hội nghị có sự tham dự của tất cả thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và khoảng 350 đại biểu trong và ngoài nước.
Theo đó, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông làm Trưởng Ban. ISV lần thứ 20 sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động gồm: Triển lãm về hệ thống núi lửa và hang động của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Phiên khai mạc ISV lần thứ 20 và các phiên làm việc, hội thảo; khảo sát thực địa hang động núi lửa; Phiên họp Ban Điều hành UIS-CVC; Phiên báo cáo đề xuất của chuyên gia, nhà khoa học đối với tỉnh Đắk Nông sau chuyến khảo sát; Phiên bế mạc ISV lần thứ 20.
Cũng trong khuôn khổ ISV lần thứ 20 còn diễn ra một số hoạt động song song và bên lề tại hang động núi lửa khu vực huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Việc đăng cai tổ chức ISV lần thứ 20 là một sự kiện đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất độc đáo đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, đây là một cơ hội rất tốt để tỉnh Đắk Nông có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Hoạt động này còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào năm 2023.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sở hữu 5 miệng núi lửa trẻ nhưng khá rõ nét cùng với hệ thống hang động được xác lập kỷ lục dài bậc nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng chiều dài khoảng 10km. Độc đáo hơn, một số hang động trong khu vực này đã từng là nơi cư trú của người tiền sử 6.000-10.000 năm trước, hiện vẫn còn lưu giữ hệ sinh thái hiếm có trên thế giới.
Thành công ISV lần thứ 20 sẽ khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn và khai thác có hiệu quả, bền vững các di sản địa chất. Nâng cao vị thế trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất, đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản tự nhiên, tài nguyên thiên, môi trường sinh thái...