Sáng 28/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tạo không gian và động lực phát triển mới
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà còn cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. (Ảnh: DUY LINH) |
Tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương gắn với địa danh Huế đã có lịch sử hình thành lâu đời và đã khắc sâu trong ký ức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung.
Đồng thời, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về phương án sắp xếp, thành lập, Bộ trưởng cho biết, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.
Sau sắp xếp, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã); có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã); tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH) |
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Ủy ban Pháp luật thấy rằng, đối chiếu với hiện trạng thực tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Đối với việc sắp xếp, thành lập các quận, thị xã, huyện và các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, qua rà soát, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đều phù hợp với các quy hoạch có liên quan; bảo đảm các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp theo quy định tại các Nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề nêu trên khi thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập.
Thống nhất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phim tài liệu về Đề án cần tập trung nhấn mạnh vào những yêu cầu lớn để đưa thành phố Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương như bảo đảm tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tỷ lệ giảm nghèo...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời, thể hiện được đây là thành phố có sự phát triển về kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đưa lên một bức tranh về thành phố Huế là một thành phố sáng, xanh, sạch đẹp; là thành phố du lịch, trong đó nhấn mạnh thành phố “cố đô”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần quan tâm trước, trong và sau về chất lượng đô thị; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, không nâng lên mà phải phản ánh đúng bản chất.
Nhân dịp chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, cần xây dựng bộ máy từ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các ngành các cấp để có được đội ngũ cán bộ quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm, góp phần phát triển thành phố Huế là thành phố xứng tầm ở khu vực miền Trung.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn đề trụ sở và cán bộ dôi dư. Cùng với đó, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân địa phương thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Tán thành cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, ngoài tiêu chuẩn đề nghị áp dụng đặc thù như số đơn vị hành chính trực thuộc hay tỷ lệ số quận, thị xã thì cần rà soát, bổ sung tiêu chuẩn về cân đối thu chi ngân sách.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH) |
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đề nghị Chính phủ, các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.