Những ô-tô này được nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất, đăng kiểm trước ngày Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành (không thuộc đối tượng bị cưỡng chế cắt giảm thành thùng), nên giải pháp chủ yếu vẫn là vận động, hỗ trợ chủ phương tiện tự giác chấp hành thông tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp coi trọng lợi ích trước mắt, chưa tự giác cắt bớt thùng xe quá khổ. Thậm chí, có doanh nghiệp, chủ phương tiện cố tình không chấp hành kiểm tra, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, cũng còn một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện hoặc thiếu trang thiết bị cần thiết, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm. Công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với chính quyền địa phương trong thực hiện nội dung nêu trên chưa đạt hiệu quả cao.
Thời gian tới, lực lượng chức năng trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng trên các tuyến giao thông, nhất là các xe ô-tô ben có trọng tải từ 10 tấn trở lên. Kiểm tra ngay tại các đầu mối xuất phát nguồn hàng. Áp dụng biện pháp xử lý cao nhất theo quy định hiện hành.
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ lập danh sách các phương tiện chở quá tải tái phạm đưa vào danh mục cảnh báo trên hệ thống kiểm định cả nước. Sở GTVT Thanh Hóa tham mưu tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư, chỉ đạo các Ban quản lý dự án cụ thể hóa nội dung cam kết tuân thủ đúng quy định về tải trọng phương tiện trong hợp đồng với các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải, nhà thầu thi công dự án, công trình trong tỉnh, xem đây là một trong những tiêu chí tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng vận tải, hợp đồng thi công đối với nhà thầu có hành vi, phương tiện vi phạm.
Các chủ sở hữu phương tiện phải thấy rõ trách nhiệm của mình, tự giác cắt bớt thành thùng quá khổ, không chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, góp phần bảo vệ kết cấu vật chất hạ tầng giao thông đường bộ, vì lợi ích cộng đồng và bình yên cuộc sống.