Thanh Hóa xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau mưa lũ

NDO -

NDĐT - Mưa to trong các ngày 9 đến 11-10 kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại tái diễn đợt lụt lịch sử với hơn 39 nghìn hộ bị ngập nước. Những ngày này, nước rút đến đâu, người dân các địa phương quét dọn nhà cửa, sân vườn, khu chăn nuôi, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi cư trú nhằm phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.

Lực lượng chức năng thu gom lợn chết trong trang trại ở huyện Yên Định đem đi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng thu gom lợn chết trong trang trại ở huyện Yên Định đem đi tiêu hủy.

Đến với vùng “ rốn lũ” Xuân Sơn ở huyện Thọ Xuân, nơi có 506 hộ bị ngập nước, ông Tống Đình Nông, ở xóm 5 Bột Thượng đang hì hục đào rãnh, xây 10 m mương, nối thông vào hệ thống thoát nước bên đường bộc bạch: Thôn này cao nhất mà nhà dân, công sở, bưu điện văn hóa xã cũng bị ngập nước nên mỗi gia đình, đơn vị phải chủ động khơi thông cống rãnh, tiêu thoát nước. Tôi đã thau rửa nền, tường nhà, đồ dùng, vật dụng, xử lý giếng nước bằng CloraminB theo hướng dẫn, phun thuốc diệt khuẩn khu chuồng trại chăn nuôi. Nhân dân có nhiều việc làm thiết thực trong tiêu thoát nước, vệ sinh khuôn viên nhà ở, xóm, thôn nhằm sớm ổn định cuộc sống, không để dịch bệnh phát sinh.

Chủ tịch UBND xã Trịnh Đình Tiến cho hay: Tuyến đê Bích Phương-Ngọc Lạp, Thục Mái trên địa bàn xã gần tràn, đã đắp con chạch dài 300 m chống tràn nhưng gần 30% số hộ trong xã vẫn bị ngập nước. Vùng này xa sông Cầu Chày, sông Hoàng nên mỗi ngày nước chỉ rút được 5 cm đến 10 cm. Trạm bơm Hoàng Kim, hệ thống tiêu thủy sông Chu hoạt động tích cực nhưng gần mười ngày nước mới cơ bản tiêu thoát kiệt ở các khu dân cư. Nước rút đến đâu, cán bộ, nhân dân, các gia đình quét dọn nhà cửa, vệ sinh khu dân cư đến đó. Cộng đồng dân cư từng “nhường cơm, xẻ áo”, trợ giúp nhau ứng phó với mưa lũ, giờ chủ động, tích cực ra quân làm vệ sinh môi trường.

Thanh Hóa xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau mưa lũ ảnh 1

Công an cùng thanh niên xung kích vét bùn, bảo đảm an toàn giao thông trên đường 15C qua xã Ban Công, huyện Bá Thước.

Bác sĩ Vũ Thị Xuân, Trưởng Trạm Y tế xã thông tin thêm: Cùng với việc cấp phát hơn 10 kg Cloramin B, tám nghìn viên thuốc khử khuẩn, hướng dẫn các hộ xử lý hơn 251 giếng khơi ngập nước lũ; hiện tám cán bộ quân y cùng y tế xã, thôn, hơn 60 dân quân, cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở đang trợ giúp nhân dân làm vệ sinh môi trường, sử dụng ba máy phun hóa chất, xử lý môi trường. Toàn xã đã sử dụng hơn 50 lít hóa chất và y tế cơ sở tiếp tục cấp phát tám nghìn viên thuốc khử khuẩn cho các hộ gia đình xử lý nguồn nước sinh hoạt..

Được biết, Sở Y tế Thanh Hóa phân công cán bộ về vùng nước rút sau ngập lũ, đã cấp 18 cơ số thuốc, 35 nghìn viên CloraminB cho các địa phương xử lý nguồn nước, phòng, chống các loại bệnh thường phát sinh sau mưa lũ. Ông Trịnh Duy Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho hay: Đơn vị đã cấp 745 kg bột CloraminB, 44 lít hóa chất Hantox 200 EC diệt côn trùng, muỗi, ruồi và cử 10 cán bộ bám các huyện bị ngập nặng cùng lực lượng y tế dự phòng cơ sở hướng dẫn nhân dân các địa phương xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng. Trước lũ, tại nhiều địa phương, cán bộ cơ sở hướng dẫn nhân dân tháo máy, bịt ống bơm, đậy nắp, bao che thành giếng khơi, hạn chế ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Thanh Hóa xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau mưa lũ ảnh 2

Lực lượng vũ trang trợ giúp hộ dân miền núi Lang Chánh làm vệ sinh môi trường sau lũ.

Quân khu 4 hiện tăng cường ba tổ quân y cùng lực lượng quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa xuống các địa phương bị ngập lụt nặng cùng cán bộ y tế, thú y cơ sở hướng dẫn nhân dân dùng CloraminB, phèn chua để xử lý nguồn nước, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chung quanh nơi ở, diệt ruồi, muỗi, côn trùng. Lực lượng quân y còn cấp phát miễn phí ClominB, phèn chua, thuốc Pecmetrin, hướng dẫn nhân dân sử dụng, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường hiệu quả. Lực lượng vũ trang huyện Hoằng Hóa phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động dân quân, thanh niên trợ giúp nhân dân dọn bùn, tháo nước, thu gom các loại rác thải, xác động vật chết đem chôn lấp đúng quy trình, đúng nơi quy định.

Thanh Hóa xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau mưa lũ ảnh 3

Cán bộ y tế hướng dẫn hộ dân xã Tế Nông, huyện Nông Cống xử lý nước giếng khơi bị ngập lũ.

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 21.451 con gia súc, hơn 486 nghìn con gia cầm bị cuốn trôi, 2.303 con vật nuôi khác bị chết, trong đó có trang trại chăn nuôi bị ngập nước khiến hàng nghìn con lợn bị chết. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Luân thông tin thêm: Cùng với việc tăng cường 15 cán bộ về cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn vệ sinh môi trường sau lũ, đơn vị tạm cấp hơn 7.000 lít hóa chất, 400 khẩu trang cho các huyện bị ngập nặng, trong đó cấp cho huyện Thạch Thành 2.000 lít, huyện Yên Định 2.000 lít để xử lý môi trường, chuồng trại chăn nuôi, chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết. Ngoài ra Chi cục Thú y còn tạm cấp 1.800 liều vắc-xin phòng chống bệnh lở mồm long móng, tham mưu, kiến nghị tỉnh mua bổ sung, cấp cho mỗi xã trong tỉnh 100 lít hóa chất, dành 1,5 tỷ đồng mua vắc-xin phòng cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, tai xanh… để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nhằm phòng chống dịch bệnh, khôi phục đàn vật nuôi.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã vào Thanh Hóa chỉ đạo công tác xử lý môi trường sau lũ lụt, giao Quỹ Bảo vệ môi trường khẩn trương phối hợp tỉnh tổng hợp số lượng thuốc, hóa chất cần thiết và cấp đủ cho Thanh Hóa xử lý cấp bách môi trường sau mưa lũ, chủ động phòng, chống dịch bệnh.