Chín tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Thanh Hóa đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước; nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch cả năm.
Ngành trồng trọt được mùa, giữ vững an ninh lương thực, tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn 20%, xuất khẩu hàng hóa tăng 27,3%, nhập khẩu tăng 39,2%, tổng thu du lịch tăng 39,2% so cùng kỳ năm 2023.
Nổi bật là Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, bảo vệ thành quả đã đạt được.
Thu ngân sách nhà nước ở Thanh Hóa đã đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng, vượt 20% dự toán và đứng thứ 7 cả nước.
Thanh Hóa tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ, xây dựng 5.000 nhà ở cho hộ nghèo, đã hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định sắp xếp 19 đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2023-2025.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo đánh giá tình hình 9 tháng, thông tin kết quả đạt được ở địa phương cùng những chỉ tiêu khó hoàn thành, nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm, giảm nghèo ở khu vực miền núi.
Đặc biệt khu vực này phát sinh những vị trí sạt lở, phải di dời khẩn cấp, bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân, khối lượng đất, đá sạt lở chưa được xử lý triệt để; các cơ sở y tế công lập gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đối ngoại khi thực hiện tự chủ tài chính.
Hiện trạng xây dựng trái phép trên đất nông, lâm trường trước đây chưa được xử lý triệt để, lại phát sinh hộ vi phạm và kiến nghị điều chỉnh diện tích đất Tổng công ty Cao-su Việt Nam đang quản lý cho địa phương giải quyết những tồn đọng, phát sinh.
Một số ý kiến phản ánh chậm có hướng dẫn liên quan trong thực hiện các bộ luật mới sửa đổi, ban hành nên tổ chức thực hiện gặp khó khăn do thể chế chưa đồng bộ.
Lãnh đạo huyện Mường Lát thảo luận tại hội nghị. |
Đi đôi với khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nhiệm vụ còn lại, phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thử thách để đề ra giải pháp khả thi, Thanh Hóa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2024 đã đề ra.
Trước mắt, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung thống kê đầy đủ, chủ động bố trí nguồn dự phòng, quỹ phòng chống thiên tai khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống nhân dân, bảo đảm quyền học tập của học sinh.
Sớm bố trí đất tái định cư xen ghép cho các hộ phải đã di dời khỏi khu vực xảy ra sạt lở, nguy cơ rất cao xảy ra sạt, lở đất; bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các dự án khắc phục đối với các công trình đê điều, trường học, khu vực đã công bố tình huống khẩn cấp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương không chủ quan, lơ là với diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cập nhật thông tin mưa lũ, vận hành liên hồ chứa, cần bổ sung phương án ứng phó tại các trọng điểm đê điều đã phát sinh sự cố, tăng cường tuần tra, canh gác đê, bảo đảm phát hiện sớm sự cố, xử lý từ giờ đầu.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động giải phóng ách tắc, khơi thông dòng chảy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương ra quân làm thủy lợi nội đồng ngay từ mùa khô năm nay và huyện Hà Trung phải tiên phong trong nạo vét sông, kênh tiêu, thoát nước.
Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất ở huyện Lang Chánh
Tập trung cao nhất cho việc tháo gỡ khó khăn, đưa hơn 10 dự án công nghiệp, dịch vụ vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới cho người lao động, tăng thu ngân sách nội địa và lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, chủ động tiếp cận, được hưởng lợi và sử dụng hiệu quả nguồn điều tiết vượt thu ngân sách từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa tại Nghị quyết 37 của Quốc hội để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Lực lượng chức năng dựng nơi ở tạm cho người dân bản Ún, xã Mường Lý, huyện Mường Lát cư trú, tránh sạt lở. |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các huyện chủ động bố trí nguồn huy động theo Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa để hỗ trợ các hộ tái định cư xen ghép theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và hỗ trợ các hộ đã được phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cùng xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút vào địa bàn, nhất là thu hút nhà đầu tư hạ tầng, ưu tiên bố trí thực hiện dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đi đôi với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ thành quả đã đạt được, đẩy mạnh các phong trào thi đua và triển khai, tổ chức thành công đại hội đảng cấp cơ sở.