Thanh Hóa chủ động phòng ngập nước, sạt lở đất sau bão số 7

NDO -

Ngày 14-10, Thanh Hóa có mưa diện rộng và các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động xử lý, gia cố các điểm đê phát sinh sự cố, chủ động tiêu thoát nước đệm đề phòng ngập nước, sạt lở đất do mưa hoàn lưu sau bão số 7.

Lực lượng vũ trang gia cố điểm đê bao Thạch Định, ở huyện Thạch Thành bị sạt lở.
Lực lượng vũ trang gia cố điểm đê bao Thạch Định, ở huyện Thạch Thành bị sạt lở.

Huyện miền núi Thạch Thành huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ quân sự huyện, dân quân tự vệ các xã: Thành Hưng, Thạch Định, thị trấn Kim Tân gia cố, xử lý điểm đê bao Thạch Định bị sạt trượt hơn 10m phía nội đê. Lực lượng chức năng đã đóng hơn 1.000 cọc tre, sử dụng 10 nghìn bao tải chứa 200 m3 cát gia cố điểm, đoạn đê bị sạt, sụt lún.

Với các đoạn, điểm đê phát sinh nứt mặt đê tả Quảng Phú, kênh tiêu thủy ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân; đê hữu sông Nhơm ở xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn; đê tả sông Hoàng, thuộc xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương; đê hữu sông Cầu Chày, thuộc xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa đã được xử lý theo phương án “4 tại chỗ”.  

Với vết nứt dài 173m chạy dọc thân đập hồ sông Mực, huyện Như Thanh có chiều rộng từ 2 đến 3cm, sâu trung bình khoảng 1m ăn sâu vào thân đập; đơn vị quản lý công trình thủy lợi sử dụng bạt che phủ không cho nước mưa chảy, thấm xuống vết nứt, lập chốt khống chế tải trọng, cấm ô-tô, xe tải lưu thông qua đập. Đơn vị đang đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xử lý theo hướng đào theo vết nứt sâu xuống thân đập, phun phụt vữa khắc phục biểu hiện nêu trên.

Thanh Hóa chủ động phòng ngập nước, sạt lở đất do hoàn lưu sau bão số 7 -0
Các ngành liên quan nắm bắt tình hình, tìm biện pháp xử lý vết nứt trên đê sông Mực. 

Hồ sông Mực có dung tích chứa gần 200 triệu m3 nước, cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hơn 11.000 ha sản xuất nông nghiệp ở các huyện: Như Thanh, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn. Hiện mực nước trong hồ mới đạt 27m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 8m, còn cách điểm cao đỉnh đập là 12,5 m nên Công ty TNHH MTV sông Chu tiếp tục tích nước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống.

Thanh Hóa có 610 hồ thủy lợi, trong đó 290 hồ đã chứa đầy nước; còn lại 320 hồ có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên, trong đó có 33 hồ có mực nước chết trở xuống. Ngoài những hồ không bảo đảm an toàn, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tiếp tục tích nước hợp lý, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống.

Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản thu hoạch xong 115 nghìn ha lúa mùa. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2020-2021, nông dân các địa phương trong tỉnh đã trồng được 11.278,3 ha ngô; 166 ha đậu tương, 1.328,4 ha lạc, 1.544,8 ha khoai lang, 10.896,6 ha rau các loại và cây trồng khác.

Trên địa bàn tỉnh có 71 trạm bơm tiêu, 28 trạm bơm tưới tiêu kết hợp cùng 15 hệ thống tiêu lớn và vừa. Thời gian qua các đơn vị, địa phương đã nạo vét 1,14 triệu m³ đất, hơn một triệu m2 bèo, vật cản trên kênh tiêu, khơi thông các dòng chảy.

Thanh Hóa chủ động phòng ngập nước, sạt lở đất do hoàn lưu sau bão số 7 -0
Trạm bơm ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc sẵn sàng vận hành bơm chống ngập. 

Ứng phó với mưa hoàn lưu bão số 7, lực lượng thủy nông trong tỉnh đã chủ động tiêu kiệt nước, tháo nước đệm, phòng ngập úng diện tích cây trồng vụ thu mùa chưa thu hoạch hết và diện tích cây trồng vụ đông.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; chủ động tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai phương án bảo vệ sản xuất và yêu cầu Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; các ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Khắc phục hậu quả mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung