Quan tâm bảo tồn, xây dựng hồ sơ đề cử, trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa có thêm 7 di sản được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã hoàn thành khai quật 4 cổng Thành nhà Hồ, in sách “Thành tựu 10 năm khai quật khảo cổ học Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”, chống mối tường thành phía bắc; công bố tư liệu về Lễ tế Giao, tổ chức Hội thảo khoa học phục hồi lễ tế Nam Giao, huyện Vĩnh Lộc; sưu tầm, phục dựng, gắn chíp 70 hiện vật khảo cổ; tăng cường quản lý vùng lõi Di sản Thành nhà Hồ với 3 bộ phận chính: La Thành, Hoàng Thành, Đàn tế Nam Giao.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Bảo tàng Thanh Hóa đổi mới hoạt động, tổ chức 3 chương trình giáo dục: “ Bảo vật quốc gia phát hiện tại Thanh Hóa”, “Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”, “Thanh Hóa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ”; số hóa 200 hiện vật tiêu biểu, xây dựng bộ sưu tập hiện vật “Những kỷ vật chiến tranh của quân và dân Thanh Hóa” và “Vật liệu trang trí kiến trúc tại các di tích ở Thanh Hóa thời kỳ phong kiến”, ứng dụng công nghệ, thuyết minh tự động về giá trị di sản.
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn phương pháp bảo tồn trang phục dân tộc Thái huyện Như Thanh; tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” thu hút đông đảo các nghệ nhân, diễn viên, quần chúng các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa tham gia biểu diễn, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao và dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy. |
Thanh Hóa tiếp tục bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; phục dựng, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh quan tâm bảo tồn, khai thác giá trị di sản, đưa hàm lượng văn hóa vào các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa cho lực lượng công tác tại cơ sở, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch.
Năm 2024, Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ tổ chức hơn 130 sự kiện đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân gắn với thu hút khách du lịch và tại Thanh Hóa sẽ diễn ra nhiều hoạt động Kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (1924-2024).
Trước mắt, Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tốt, có hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024; chú trọng tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian giàu bản sắc dân tộc của vùng, miền, bảo đảm nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn, gắn liền sinh hoạt Tết truyền thống của địa phương, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương ngăn ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quản lý hoạt động lễ hội, tổ chức kiểm tra, thanh tra, nhằm ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh.
Một cơ sở dịch vụ du lịch ở Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. |
Thanh Hóa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch quy mô lớn; phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch có lợi thế phù hợp với từng phân đoạn thị trường, nhu cầu của du khách, phấn đấu đón được 13,8 triệu lượt du khách, đạt doanh thu du lịch 32.387 tỷ đồng.