Khát vọng Mường

Năm nay đã 86 tuổi, nhưng ông Cao Sơn Hải ở Thanh Hóa luôn nỗ lực lao động sáng tạo, đau đáu trăn trở bảo tồn, trao truyền di sản dân tộc Mường cho thế hệ tiếp nối.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Cao Sơn Hải với các công trình nghiên cứu về dân tộc Mường Thanh Hóa.
Ông Cao Sơn Hải với các công trình nghiên cứu về dân tộc Mường Thanh Hóa.

Là người dân tộc Mường, ông Cao Sơn Hải trăn trở văn hóa Mường dần mai một. Nhiều năm nay ông Hải đã dành thời gian trao đổi, thảo luận với cộng sự biên soạn bộ chữ Mường nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Thanh Hóa. Qua điền dã, khảo cứu các công trình của đồng nghiệp, nhận thấy các vùng Mường có những cách phát âm, phương ngữ khác nhau, ông đã sử dụng bộ chữ La-tinh biên soạn, phiên âm, dùng ký tự, dấu thanh nối để ghi lại những từ không thể hiện được bằng chữ quốc ngữ.

Quá trình biên soạn, ông cùng nhóm tác giả được Hội Dân tộc học Thanh Hóa bảo trợ, hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hai hội thảo khoa học nhằm tranh thủ đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người am hiểu dân tộc Mường phản biện, góp ý, tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện bộ chữ Mường; đồng thời thu hút những giáo viên người dân tộc Mường cùng tham gia sáng tạo bộ chữ Mường để truyền dạy chữ cho các thế hệ tiếp nối. Hiện, ông đang tập trung biên soạn bộ Từ điển Mường phục vụ bảo tồn, tra cứu, khảo cứu ngôn ngữ cộng đồng dân tộc Mường ở Thanh Hóa.

Sinh ra, lớn lên ở vùng Mường xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, từng là giảng viên Trường đại học Sư phạm Vinh, tham gia biên soạn giáo trình giảng dạy văn hóa dân gian, rồi chuyển về Thanh Hóa, công tác tại Ty Giáo dục-Ðào tạo, cơ quan Tỉnh ủy, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các cương vị, vị trí công tác, ông Cao Sơn Hải còn say mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của cộng đồng người Mường ở Thanh Hóa.

Cụm tác phẩm, công trình “Những bài ca đám cưới của người Mường Thanh Hóa”; “Truyện Nàng Út Lót-Ðạo Hồi Liêu” (Tình ca dân tộc Mường); sách “Lễ Pồn Pôông Eng Cháng”, một loại hình sân khấu dân gian được ông dày công sưu tầm, biên soạn song ngữ nhằm bảo tồn tri thức bản địa, dòng chảy văn hóa dân gian còn lưu truyền trong các vùng Mường ở Thanh Hóa đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2022.

Qua nghiên cứu, ông Cao Sơn Hải nhận thấy, “Sử thi Ðẻ đất, đẻ nước” là sản phẩm của giai đoạn tiền Việt-Mường chung nhưng không có bản chính; được sưu tầm, biên soạn theo nhận thức, phương ngữ, trình độ, thẩm mỹ các vùng Mường nên có nhiều dị bản; khác nhau về thời lượng, bố cục và do các ông Mo đã lấy Sử thi Mường để sáng tạo thành bài Mo của mình. Từ đó, trên cơ sở bóc tách những nội dung không có tính chất Sử thi biên soạn thành 16 chương khúc và cùng các công trình: “Sử thi Ðẻ đất, đẻ nước-một cách tiếp cận”, sách “Luật tục Mường”, rồi “Quán ngữ Mường”, ông đã tập hợp những từ cố định, đặc biệt, là hồn cốt của ngôn ngữ Mường được sử dụng trong dòng chảy văn hóa dân gian dân tộc Mường để biên soạn, phân tích, bình trong 350 trang tài liệu.

Ông Cao Sơn Hải còn tham gia và là thành viên Hội đồng biên soạn Tổng tập Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, gồm 23 tập do Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện; được tỉnh dành kinh phí in, phát hành tuyển tập “Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa”. Trò chuyện cùng ông, tôi ghi nhận niềm say mê lao động, sáng tạo cùng khát vọng khôn cùng: Ðó là bảo tồn, trao truyền cho thế hệ tiếp nối giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Mường Thanh Hóa trong cộng đồng dân tộc Mường, các dân tộc ở Việt Nam.