Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đầm Dơi-Cái Nước-Chà Là:

Thắng lợi của ý chí, sự sáng tạo và niềm tin

Trong những ngày này, tại Cà Mau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Thắng lợi từ các trận đánh tại Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là vẫn là kinh nghiệm quý báu của Quân khu và Tỉnh ủy Cà Mau về lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch tổng hợp công đồn, phá ấp chiến lược của địch, củng cố và mở rộng các vùng giải phóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Một góc thị trấn huyện Đầm Dơi.
Một góc thị trấn huyện Đầm Dơi.

Cách đây tròn 50 năm, trên mảnh đất cực nam của Tổ quốc, Đảng bộ, quân dân Cà Mau cùng các lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 9 đã lập nên chiến công vang dội: chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Chiến thắng này là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự đoàn kết gắn bó của quân và dân Cà Mau với LLVT Quân khu, là mốc son chói lọi đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong lãnh đạo, chỉ huy, trong phối hợp hiệp đồng tác chiến của quân dân Cà Mau và các LLVT Quân khu 9.

Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tình hình cách mạng của miền nam nói chung, tại Cà Mau nói riêng, diễn ra rất gay go và ác liệt.

Đầu năm 1963, với chiến thắng Ấp Bắc ở Mỹ Tho, đã tạo tiếng vang rất lớn, làm tăng thêm tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Trung ương Cục có chỉ thị về chiến dịch phá "quốc sách ấp chiến lược" của Mỹ - Diệm trong toàn miền nam. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục, tháng 5-1963, Khu ủy -Ban Quân sự khu họp đánh giá tình hình và quyết định mở chiến dịch quân sự trong toàn khu và quyết định chọn Cà Mau làm điểm mở đầu cho chiến dịch Thu - Đông; hướng đột phá then chốt nam Cà Mau gồm hai Chi khu Cái Nước, Đầm Dơi và các đồn bốt chung quanh, nhằm phá thế kìm kẹp của địch, mở mảng tuyến sông Bảy Háp liên hoàn với tuyến lộ xe Cà Mau -Năm Căn... Nhận được chỉ đạo của Quân khu, Đảng bộ, quân dân Cà Mau rất háo hức, quyết tâm tiêu diệt quân thù, các LLVT trong tỉnh ngày đêm chuẩn bị, sẵn sàng san bằng đồn bốt địch, giải phóng dân, mở rộng vùng giải phóng. Để đánh thắng địch ở Chi khu Đầm Dơi và Chi khu Cái Nước, Tỉnh ủy Cà Mau cùng với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 bàn bạc, thống nhất sử dụng lực lượng và phương án đánh địch. Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị LLVT trong tỉnh tiến công vào các đồn bốt chung quanh và nhiều nơi trong toàn tỉnh để phối hợp chia lửa chiến trường. Đồng thời, không cho chúng chi viện nhau, căng kéo địch ra để tiêu diệt, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân phá "ấp chiến lược" trở về với ruộng vườn, tiếp tục phục vụ cách mạng.

Chi khu Đầm Dơi cách tiểu khu An Xuyên khoảng 21 km về hướng đông nam, nằm án ngữ trên sông Đầm Dơi; Chi khu Cái Nước cách tiểu khu An Xuyên 32 km về hướng tây nam, án ngữ trên trục lộ xe Cà Mau - Năm Căn. Hai chi khu này được địch xây dựng kiên cố từ năm 1955, quân số của địch bố trí ở hai chi khu gần 400 tên, được trang bị nhiều loại vũ khí cỡ lớn và nhiều phương tiện chiến tranh khá hiện đại lúc bấy giờ. Đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10-9-1963, đúng 0 giờ 40 phút, ta nổ súng tiến công Chi khu Cái Nước. Chỉ trong vòng một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ quân địch ở chi khu, trong đó có cả tên quận trưởng. Sau chiến thắng ở Chi khu Cái Nước vài giờ, đúng 4 giờ 10 phút ngày 10-9, quân ta tiếp tục nổ súng tiến công Chi khu Đầm Dơi, sau gần hai giờ chiến đấu đã tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ số quân địch, trong đó có cả tên quận trưởng, quận phó, thu nhiều vũ khí trang bị.

Tuy bị quân ta tiến công quyết liệt và tiêu diệt phần lớn quân số, một bộ phận quân địch còn lại lợi dụng vào công sự kiên cố tử thủ, cầu cứu viện binh. Đúng như dự đoán, chỉ khoảng năm phút sau, máy bay địch đến ném bom; đến 14 giờ ngày 10-9, bọn địch Vùng 4 chiến thuật, Tiểu khu An Xuyên mở cuộc hành quân "Đức Thắng", huy động quân chủ lực gồm: thủy quân lục chiến, biệt động quân, với sự yểm trợ của không quân, đánh vào đội hình tiểu đoàn của ta. Bằng sự mưu trí, tài phán đoán, bộ đội ta đã bố trí thế trận để đánh địch đổ bộ đường không, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bật hai đợt đổ quân phản kích của địch, tiêu diệt hơn 200 tên địch, bắn rơi ba máy bay và bắn bị thương sáu chiếc khác.

Trong cùng một thời điểm bị thất thủ ở hai chi khu và tiếp tục bị thất bại trong giải tỏa, ứng cứu, địch rất hoang mang, lo sợ. Phát huy chiến thắng Chi khu Cái Nước, Chi khu Đầm Dơi, tinh thần, khí thế chiến đấu của quân dân Cà Mau được nâng lên gấp bội; bộ đội địa phương và dân quân du kích nhiều nơi trong tỉnh tiếp tục công đồn, diệt địch; hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược; giáng một đòn chí tử vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của địch ở Cà Mau. Để cứu vãn tình hình, với sự chi viện của Sư đoàn 21 ngụy, địch tiếp tục củng cố các chi khu, dinh quận, đồn bốt, các "ấp chiến lược", "ấp tân sinh" còn lại và tăng cường đánh phá mở rộng vùng chiếm đóng ra nhiều nơi trong tỉnh, chúng xây dựng lại và tăng cường thêm quân số, vũ khí trang bị cho các đồn, bốt trong tỉnh, trong đó chúng tập trung cho cứ điểm Chà Là. Cứ điểm Chà Là cách thị xã Cà Mau 30 km về hướng đông nam, địch đóng một đồn tứ giác - dinh quận, hai đồn tam giác. Là một vị trí quan trọng, nên địch xây dựng kiên cố, bên trong bờ tường có nhiều tháp canh và ụ chiến đấu, bên ngoài có nhiều lớp rào thép gai, bãi mìn, lựu đạn thành một hệ thống phòng thủ liên hoàn, quân số thường xuyên túc trực hơn 300 tên, trang bị hỏa lực mạnh. Để đánh địch ở Chà Là, ta sử dụng lực lượng gồm: Tiểu đoàn 306, Tiểu đoàn 207 súng máy phòng không, lực lượng pháo binh hỗn hợp và đặc công của Quân khu; Tiểu đoàn U Minh của Cà Mau cùng bộ đội địa phương hai huyện Ngọc Hiển (Đầm Dơi ngày nay), Cái Nước và du kích xã Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Đông Thới, Trần Phán và Quách Văn Phẩm.

Ngoài nhiệm vụ của LLVT, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Huyện ủy - Ban Quân sự huyện Đầm Dơi, Cái Nước huy động hơn 1.000 dân công phục vụ chiến trường.

Sau khi xác định mục tiêu, để trận đánh giành thắng lợi, đúng 24 giờ ngày 23-11-1963, các đơn vị nổ súng tiến công cứ điểm Chà Là.

Sau ba giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hầu hết quân địch, bắt sống 30 tên, thu toàn bộ vũ khí. Sau khi đánh thắng địch ở cứ điểm, đến 6 giờ sáng ngày 24-11, các đơn vị triển khai đội hình sẵn sàng đánh địch đến chi viện, ứng cứu. Đúng như dự kiến, 8 giờ sáng ngày 24-11, địch đổ quân lần thứ nhất: chúng dùng tám máy bay khu trục B26 ném bom, 24 trực thăng đổ quân xuống Chà Là. Khi máy bay chúng vừa hạ cánh, đơn vị pháo cao xạ đồng loạt nổ súng, bốn máy bay lên thẳng của địch bị rơi tại chỗ. Số còn lại không dám hạ cánh, cuộc đổ quân đợt một của địch thất bại. Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 24-11, địch tiếp tục đổ quân lần hai, địch sử dụng 58 máy bay đổ một tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 32 xuống hướng đông, cách Chà Là khoảng 3 km chia thành hai mũi đánh về hướng Chà Là. Tiểu đoàn U Minh và các đơn vị của ta chặn đánh quyết liệt, đến 14 giờ, địch phải co cụm chờ chi viện. Ta bắn rơi hai máy bay, đợt đổ quân này, địch tiếp tục thất bại.

Sau hai đợt đổ quân ở hướng đông thất bại, 17 giờ ngày 24-11, địch tiếp tục đổ quân đợt ba. Lần này địch không sử dụng máy bay lên thẳng mà sử dụng 19 máy bay vận tải quân sự CH-47 và hai chiếc Đa-cô-ta, thả một tiểu đoàn lính dù xuống hướng tây bắc Chà Là. Tiểu đoàn 306 và bốn trung đội bộ đội địa phương huyện Cái Nước, du kích Tân Hưng, Tân Hưng Đông vận động tiêu diệt phần lớn quân địch, khi chúng vừa chạm đất. Qua một ngày đêm chiến đấu, ta đã diệt toàn bộ cứ điểm Chà Là, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên, bắn rơi và làm hư hỏng 19 máy bay cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch, bắn rơi và làm hư hỏng nhiều máy bay, thu nhiều vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng của địch; có thể coi đây là chiến thắng lớn nhất về không vận ở các tỉnh ĐBSCL, một kinh nghiệm quý báu của Quân khu và Tỉnh ủy Cà Mau về việc lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch tổng hợp phá quốc sách ấp chiến lược của địch ở địa bàn tỉnh Cà Mau. Thắng lợi trên đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, lo sợ trước sự tiến công như vũ bão của quân và dân ta; phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở phía nam Cà Mau; mở rộng vùng giải phóng, với 17 xã ở nam Cà Mau và hàng chục xã ở bắc Cà Mau, xã liền xã, huyện liền huyện; bảo vệ được khu căn cứ cách mạng và tạo được nguồn lực cho kháng chiến để đánh thắng địch. Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là có tầm vóc ý nghĩa hết sức to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Cà Mau và càng có ý nghĩa cho thế hệ hôm nay và mai sau. Là bài học quý giá để vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng thế trận phòng thủ, xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ở vùng đất cực nam của đất nước hôm nay.

Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, với ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, sau ngày thống nhất đất nước đến nay, Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế giữ vững tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển nhanh. Năm 2013, thu ngân sách đạt gần năm nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1.300 USD, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn một tỷ USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và của trung ương trên địa bàn được triển khai, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, đời sống của nhân dân từng bước cải thiện. Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được củng cố kiện toàn; vai trò của MTTQ và các đoàn thể được phát huy.

Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau ra sức phấn đấu hoàn thành những mục tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14. Trên tinh thần đó, đòi hỏi toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo, ra sức phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị của sản phẩm; khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng kinh tế biển, đảo, phát huy nguồn lực con người; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực và cả nước; xứng đáng là tỉnh trọng điểm kinh tế của vùng ĐBSCL.

C HIẾN tranh đã lùi xa. Nhiều thế hệ đã lớn lên, được giáo dục về truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, được nghe kể về sự tàn khốc của chiến tranh, sự mất mát đau thương, sự anh dũng kiên cường của lớp lớp cha anh. Trong cuộc chiến đó, vùng đất Cà Mau nơi cực nam Tổ quốc, đã có nhiều người mẹ "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ", nhiều người lính đã gửi trọn đời mình hoặc một phần thân thể lại chiến trường... nhưng tất cả đều cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.

Ôn lại truyền thống hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiêu biểu là tinh thần chiến đấu và chiến thắng từ trận Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, gợi nhớ những ngày tháng hào hùng của dân tộc, qua đó giữ gìn và không ngừng phát huy những thành quả cách mạng; trân trọng sự cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, của đồng bào, đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng để có độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đã 50 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng Đầm Dơi -Cái Nước - Chà Là vẫn còn nguyên giá trị, không những trong chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn có ý nghĩa thực tiễn về ý chí kiên cường, sự sáng tạo và niềm tin vững chắc vượt lên khó khăn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

PHẠM THÀNH TƯƠI Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau