Để phát triển bền vững cây sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, xây dựng mã số cơ sở đóng gói, chế biến sâu... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Hấp dẫn Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc
Được tổ chức lần đầu năm 2022, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I đã thành công ngoài mong đợi. Lễ hội thu hút hàng chục nghìn du khách với ấn tượng về một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng và chất lượng sầu riêng thơm, ngon ít nơi nào sánh được. Điều đặc biệt, tại lễ hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc, theo Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết. Kể từ đó đến nay, giá sầu riêng ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng sầu riêng.
Tiếp nối thành công Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến 2/9 tới tại Trung tâm thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc-Phát triển và hội nhập”.
Trong khuôn khổ lễ hội, diễn ra 12 chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương; ngày hội văn hóa ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc mở rộng; trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ; hội thi Nữ hoàng sầu riêng...
Điểm nhấn của lễ hội là Hội thảo Xây dựng và Phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững thu hút khoảng 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán nước ngoài, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu trong nước và nước ngoài cùng nông dân sản xuất sầu riêng trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản sầu riêng Krông Pắc, các loại trái cây chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, những đặc sản tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung ra thị trường; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, thương hiệu, sản xuất sầu riêng theo quy cách, tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết, tính đến niên vụ 2024, trên địa bàn huyện có gần 7.200 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000 ha kinh doanh; diện tích sầu riêng giống DONA chiếm 90%, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha; có 2.015 ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu. Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và các giống sầu riêng mới, chất lượng tốt, Krông Pắc là địa phương dẫn đầu tỉnh Đắk Lắk về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng.
Vì vậy, những năm gần đây, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây cà phê, hồ tiêu... cho nên người nông dân đã đầu tư sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Ngày 8/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong Pac Durian-Sầu riêng Krông Pắc” số 413207 cho Hội Nông dân huyện Krông Pắc. Nhờ đó, đến nay quả sầu riêng được trồng trên địa bàn huyện Krông Pắc không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và sản xuất sầu riêng bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả cây sầu riêng.
Cuộc sống thăng hoa cùng sầu riêng
Kể từ khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vào tháng 9/2022 đến nay, giá sầu riêng trên thị trường luôn ở mức cao, có thời điểm đạt hơn 110.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng sầu riêng và ở Đắk Lắk, đến đâu người dân cũng bàn chuyện về cây sầu riêng.
Do giá trị cây sầu riêng mang lại quá lớn, những năm gần đây, người nông dân ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt trồng sầu riêng khiến diện tích tăng nóng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, toàn tỉnh có 14.908 ha sầu riêng, với sản lượng 137.644 tấn thì đến năm 2023, diện tích đã tăng lên hơn gấp đôi với 32.785 ha, sản lượng 281.350 tấn.
Còn theo Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, trong vụ thu hoạch sầu riêng năm 2024, dự kiến diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000-35.000 ha, sản lượng đạt hơn 300.000 tấn, Đắk Lắk vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước.
Năm 2022, sầu riêng của Đắk Lắk xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 11,7 triệu USD thì đến năm 2023 đã tăng lên 150-160 triệu USD. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, trong vụ sầu riêng năm 2023, giá trị thu về của mỗi héc-ta sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt từ 1-1,2 tỷ đồng; năm 2024 giá trị thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, nhờ đó, hàng nghìn hộ trồng sầu riêng, nhất là những hộ trồng từ 2-3 ha trở lên, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ giàu và đổi mới diện mạo nông thôn trong tỉnh.