Tháng Bảy bên tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”

Trước họng súng, lưỡi lê của quân thù, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kết thành một vòng tròn, lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bây giờ, một vòng tròn lớn trên cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là sự cách điệu của tinh thần “vòng tròn bất tử” ấy. Các anh đã trở thành những tượng đài thiêng liêng trong trái tim hàng triệu người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các đoàn dâng hương trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.
Các đoàn dâng hương trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.

Tháng 7, trời trong xanh. Từ Quốc lộ 1A rẽ xuống giáp đại lộ Nguyễn Tất Thành, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sừng sững trước mặt, uy nghi trên đỉnh đồi cát, một vị trí đẹp của vùng biển Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Chúng tôi dâng hương trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Tượng đài đứng giữa một hồ nước lớn, tượng trưng hình ảnh một Trường Sa hiên ngang đứng giữa biển trời giông gió.

Giai điệu “Hồn tử sĩ” và những lời tưởng niệm xúc động khiến tôi nhớ những lần dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam theo nghi thức của những người đi biển; đó thật sự là những phút giây thiêng liêng mà tôi từng trải qua trong đời.

Tôi nghe một người lính khấn to: “Những đồng đội của các anh hôm nay sẽ vững tay lái, chắc tay súng như các anh ngày nào với quyết tâm còn người còn đảo. Vĩnh biệt các anh... Các anh... ở lại nơi này...”.

Lời nói bỗng nấc nghẹn giữa chừng... Tôi thấy nhiều người rút khăn tay lau nước mắt.

Giai điệu “Hồn tử sĩ” và những lời tưởng niệm xúc động khiến tôi nhớ những lần dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam theo nghi thức của những người đi biển; đó thật sự là những phút giây thiêng liêng mà tôi từng trải qua trong đời.

Bên tượng đài, người thuyết minh Lý Thị Ngọc Mai kể câu chuyện về những người tạc tượng đã phải nghiên cứu nhiều tài liệu, phim ảnh, tham khảo nhân chứng để thể hiện cho được thần thái, tầm vóc của những người anh hùng ở Gạc Ma.

Đó là những tên tuổi như Trần Văn Phương, Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Thanh Tùng; Trung đoàn 131 Công binh Hải quân; các con tàu HQ 505, HQ 671, HQ 931… Tất cả đã hóa thân thành những cây phong ba, cây bão táp, để mãi mãi trường tồn cùng Trường Sa Anh hùng.

Chị Ngọc Mai nhẹ nhàng điều hành cả đoàn mặc niệm, tưởng nhớ công ơn của những người con đất nước đã vĩnh viễn ở lại cùng biển cả, vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên các vùng biển, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Những câu chuyện cảm động của Ngọc Mai khiến nhiều người bật khóc... Ấy là chuyện về cháu Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương. Khi anh Phương hy sinh, cháu Thủy mới chỉ là một thai nhi hai tháng tuổi.

Trước quân thù, Thiếu úy Trần Văn Phương hiên ngang quấn cờ Tổ quốc vào thân mình rồi dõng dạc nói: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Ở đây, nhiều người chia sẻ cùng tôi một tâm sự, rằng sao giữa thời bình mà lại có thêm những người vợ trẻ đang tuần trăng mật mà phận gái đã vội thành quả phụ; lại có thêm những đứa con thơ chào đời chưa kịp thấy mặt cha mà đầu xanh đã vội trắng khăn tang?!

Cháu Thủy bé nhỏ ngày nào giờ đã là Thượng úy Trần Thị Thủy, công tác tại Vùng 4 Hải quân. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, cháu Thủy chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Trường đại học Quảng Bình, nhưng cháu làm đơn xin vào lực lượng Hải quân, với mong ước được nối nghiệp cha, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Và, thật ý nghĩa, Thủy được biên chế vào chính đơn vị bố mình từng công tác: Lữ đoàn 146, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiều người dừng lại rất lâu trước khu mộ gió của các liệt sĩ. Mộ gió, không có di cốt, chỉ có bia đá ghi danh 64 liệt sĩ. Tôi thấy có nhiều chỗ đá bia mòn nhẵn. Dường như người thân như cố tìm thấy sự hiện hữu của các anh trên mỗi thớ đá vô tri. Khói hương bay ngào ngạt. Hoa sứ nở trắng ngần, hương bay phảng phất. Ngoài kia, biển vẫn hát ru những người nằm lại ở biển khơi...

Giữa trưa nắng, trên đồi cát, nhìn công nhân chăm tưới cây xanh, hoa cỏ trồng trong Khu tưởng niệm tôi cứ nhớ Trường Sa, cứ thấy như mình đang ở Trường Sa. Cũng nắng. Cũng gió. Cũng khói hương nghe xốn xang lòng mắt. Tôi hiểu, bao nhiêu máu đồng bào tôi đã đổ, để trên những con tàu Hải quân nhân dân Việt Nam nối tiếp hải trình chở, đưa chúng tôi ra với Trường Sa thân yêu. Ở đó, trước họng súng, lưỡi lê của quân thù, các anh đã kết thành một vòng tròn, lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bây giờ, vòng tròn thật lớn trên tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là sự cách điệu của tinh thần một “vòng tròn bất tử” ấy. Các anh đã trở thành những tượng đài thiêng liêng trong hàng triệu trái tim người Việt Nam.

Tháng Bảy bên tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” ảnh 1

PGS, TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị Khu vực III (bên phải) trao di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị tặng Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. (Ảnh: NGUYỄN VĂN NGỌC)

Sáng hôm đó, có ba đoàn đến viếng, gồm đoàn Người có công của tỉnh Kiên Giang, đoàn của Quận ủy Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và đoàn của Công an phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi theo chân người thuyết minh Lý Thị Ngọc Mai tiếp đoàn Người có công của tỉnh Kiên Giang. Một số thành viên trong đoàn là thương binh, bệnh binh, đi lại khó khăn nhưng các anh, chị rất cố gắng, chăm chú nghe thuyết minh. Ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có rất nhiều kỷ vật của các anh để lại. Đó là khăn len của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành được mẹ đan tặng để sử dụng trong những chuyến đi công tác; đó là chiếc ra-đi-ô cát-xét của liệt sĩ Trần Văn Chức mua tặng bố mẹ trước ngày lên đường ra Trường Sa năm 1988…

Người thuyết minh dừng lại trước tấm ảnh cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng chị Đỗ Thị Hà. Đã hơn 35 năm. Ảnh đã cũ. Nhưng dáng nét thanh xuân của anh chị vẫn cứ rạng rỡ. Bây giờ, nhà ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, cũng gần cho nên chị Hà thường xuyên đến đây thăm chồng. Nghe đến đây, anh Trần Văn Phát, Trưởng đoàn, mắt đỏ hoe, xúc động nói: Chiến tranh quả là quá sức tàn nhẫn...

Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Võ Duy Trúc chia sẻ, có nhiều câu chuyện rất thiêng liêng, cảm động. Chẳng hạn như liệt sĩ Trần Quốc Trị tìm mãi vẫn không có ảnh để gắn lên bảng Tổ quốc ghi công, Ban Quản lý phải gắn cờ Tổ quốc vào đó. Mãi đến năm 2020, qua nhiều chuyến đi tìm tòi công phu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị Khu vực III, tìm thấy di ảnh của anh, mang đến, gắn lên bảng Tổ quốc ghi công để anh sum họp cùng anh em đồng đội. Mới thấy, các anh đã có một tầm vóc lớn lao trong tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam.

Anh em ở Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đưa tôi xem một bức thư gia đình vừa gửi tặng Khu tưởng niệm. Đó là bức thư của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam gửi chị gái đề ngày 10/3/1988. Anh hỏi thăm anh chị và người cháu có tên Quang Trung; dặn chị gửi ảnh của cháu ra. Lời thư nghe thắm thiết và chân thành. Người từ đảo xa gửi lời động viên gia đình yên tâm. Vậy mà, chỉ có mấy ngày sau đó, nhiều dự định của Nguyễn Tất Nam trở nên dang dở.

Theo tư liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, tháng 7/2015, đến thăm công trình xây dựng Khu tưởng niệm, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc xây dựng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng; đẹp và trang nghiêm; đồng thời có hướng mở rộng Khu tưởng niệm để xứng đáng với tầm vóc lịch sử, văn hóa của sự kiện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao tiếp phần đất 2,5 ha phía đông Khu tưởng niệm, sát bờ biển Bãi Dài để kéo dài, mở rộng, nối thông khu tượng đài tưởng niệm ra tới biển. Hiện Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành thi tuyển ý tưởng thiết kế để xây dựng Bảo tàng Trường Sa; Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa xây dựng đề cương trưng bày. Cùng với đó, Công viên Gạc Ma được mở rộng, kéo dài ra tới biển, cùng với Bảo tàng Trường Sa tạo thành một quần thể, phục vụ các hoạt động tưởng niệm và tham quan.

Đứng chân trên đồi cát trắng, nhưng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giờ đây đã xanh ngắt cỏ cây, hoa lá, có cả cây phong ba, cây bão táp. Phong ba ư? Bão táp ư? Ở đâu, trên thế gian này lại có những loài cây mới nghe tên đã thấy dữ dằn đến như vậy? Ở Trường Sa, khi hai loại cây này bám đảo thì khó lòng gió bão nào có thể quật ngã. Có lẽ, chính vì biểu tượng ấy mà tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thường xuyên diễn ra các hoạt động trang nghiêm như Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên; là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và các đoàn khách đến tham quan, học tập.

Những ngày tháng 7 này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có rất nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến dâng hương. Nhiều đoàn khách xuống sân bay Cam Ranh, ghé dâng hương rồi đi du lịch; lúc về lại ghé dâng hương rồi ra sân bay. Trong chương trình của các tour du lịch, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã trở thành điểm đến quan trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức chu đáo, nghiêm trang.

Trong lúc nghe lời thuyết minh về những tư liệu minh chứng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôi nghe người cựu binh đứng sau lưng khe khẽ hát: “…Tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc gọi về từ biển cả…”.