“Gia đình sao vàng” của liệt sĩ Gạc Ma Trần Đức Bẩy

34 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Tấm gương mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc của các anh đã trở thành thiên hùng ca bất tử.
0:00 / 0:00
0:00
“Gia đình sao vàng” của liệt sĩ Gạc Ma Trần Đức Bẩy

Trong số những chiến sĩ hải quân ngã xuống nơi trùng khơi có một người con của quê hương Hà Nam. Anh là Trần Đức Bẩy, sinh năm 1966 ở thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam…

Người thương binh nhớ về em trai liệt sĩ

Chúng tôi về xã Lê Hồ, tìm gặp thân nhân liệt sĩ Trần Đức Bẩy. Ngôi nhà nơi anh cất tiếng khóc chào đời và gắn bó suốt thời thơ ấu cho đến ngày nhập ngũ nay là nơi thờ tự và trang trọng treo những những tấm huân chương, bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà nước dành tặng gia đình.

Sau khi kính cẩn khấn vái cha mẹ, thắp hương trên bàn thờ có di ảnh liệt sĩ Trần Đức Bẩy mặc áo hải quân, khuôn mặt trẻ măng, nụ cười hiền hậu, ông Trần Văn Thu - anh trai liệt sĩ lần giở những trang thư, những tấm ảnh đã ố vàng cho chúng tôi xem. Cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những giọt lệ rưng rưng xúc động.

Gia đình ông Thu có 8 anh chị em (7 trai, 1 gái), Trần Đức Bẩy là con thứ 7. Hai đấng sinh thành (cụ ông Trần Văn Riệu và cụ bà Hà Thị Vạo) từng là du kích chống Pháp ở địa phương, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, các cụ đều đã qua đời. Năm 1968, hai người anh của ông là Trần Văn Uống và Trần Văn Uộng hy sinh ở Quảng Nam và Khe Sanh (Quảng Trị) khi tuổi đời còn rất trẻ. Tiếp nối nhiệt huyết cách mạng của các anh, năm 1983, ông Thu xung phong nhập ngũ. Tháng 5/1986, ông xuất ngũ trở về quê hương, từ đó đến nay tham gia công tác xã hội ở nhiều lĩnh vực. Ông là thương binh hạng 2/4.

Trong gia đình, Trần Đức Bẩy là em kế sau ông Thu, cũng là người hay thủ thỉ, tâm tình với ông nhất. Tháng 3/1985, ông Thu khi đó là chiến sĩ bảo vệ biên giới phía bắc, bị thương nặng do đạn pháo bắn trong trận Vị Xuyên, Hà Giang (cuối năm 1984) được đơn vị cho về nhà dưỡng thương, tiễn em trai Trần Đức Bẩy ra ga Đồng Văn, lên đường nhập ngũ. “Đang học lớp 12, Bẩy giấu mọi người, tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Tính Bẩy hiền lành, chịu khó, rất biết vâng lời nhưng khi đã quyết việc gì là phải làm bằng được. Hiểu rõ tính con nên bố mẹ tôi không ngăn cản mà hết lòng ủng hộ. Ngày chú ấy đi, bố tôi chỉ dặn hãy nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để xứng đáng với truyền thống gia đình, với niềm tin của cấp trên, đừng làm điều gì hổ thẹn với vong linh hai người anh từng xả thân vì Tổ quốc. Còn mẹ tôi mắt đỏ hoe, bùi ngùi nắm chặt tay con dặn dò phải giữ gìn sức khỏe. Bẩy cười đáp lại: “Bố mẹ cứ yên tâm. Con đi vài năm rồi con lại về, lúc đó con sẽ lấy vợ để bố mẹ thỏa mong ước có cháu bế bồng”. Động viên thế để các cụ yên tâm chứ ngồi sau xe tôi chở suốt dọc đường từ nhà ra ga, chú ấy thổ lộ nỗi băn khoăn lo lắng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều đã ngoài 60 tuổi vẫn phải làm lụng vất vả. Bẩy còn bảo tuy bố mẹ không nói ra nhưng chú ấy cảm nhận rất rõ nỗi nhớ thương hai người con trai vẫn đau đáu trong lòng ông bà. Trong tám đứa con, Bẩy là người sống tình cảm, gần gũi với mẹ nhất. Hồi ở nhà, ngoài giờ đi học chú ấy lại phụ mẹ việc đồng áng, nội trợ, chẳng nề hà, ca thán gì. Mẹ tôi vẫn nói vui rằng sau này về già, khi các con đều đã trưởng thành, yên bề gia thất, bà sẽ ở với chú Bẩy...”, ông Thu bộc bạch.

Sau thời gian được cử đi học sơ cấp kỹ thuật sửa chữa tàu biển tại cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh), Trần Đức Bẩy nhận công tác tại Lữ đoàn 125 - đơn vị vận tải biển chủ lực của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ba năm, kể từ lúc nhập ngũ cho đến ngày hy sinh, Trần Đức Bẩy chưa một lần về thăm nhà. “Viết thư về cho tôi chú ấy thường kể về vẻ đẹp hùng vĩ của Trường Sa và những kỷ niệm thấm đẫm tình đồng đội. Chú ấy tâm sự rằng, rất nhớ nhà nhưng lượt phép trước nhường cho một anh đã có gia đình về thăm vợ con, còn mình sẽ thu xếp về vào đợt khác. Thư về, Bẩy thường dặn tôi phải chăm sóc, động viên bố mẹ thay cả phần chú ấy nữa”, ông Thu nhớ lại.

“Trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước”

Tháng 12/1987, Trần Đức Bẩy theo tàu ra căn cứ của Lữ đoàn 125 ở bến Bính (Hải Phòng) lấy phụ tùng sửa chữa, nhắn hai anh trai ra thăm. Mãi đến tận bây giờ ông Thu vẫn nhớ như in khoảnh khắc hội ngộ anh em mừng mừng tủi tủi ôm chầm lấy nhau. “Bẩy khi ấy mang hàm trung sĩ. Chúng tôi thức trắng đêm hàn huyên, dốc bầu tâm sự. Bẩy hỏi thăm tình hình sức khỏe của bố mẹ, các anh chị em trong nhà, họ hàng, làng xóm và cả chuyện cuộc sống của mấy người bạn thân thiết từng chung trường, chung lớp. Quà Bẩy tặng tôi và người thân là những con ốc biển, những nhành san hô được cất giữ cẩn thận trong chiếc ba-lô”, ông Thu bùi ngùi nhớ lại. Cho đến bây giờ ông vẫn không nguôi ám ảnh mỗi khi nhớ lại câu nói của em trai trước khi chia tay: “Lỡ em có mệnh hệ gì anh hãy an ủi và báo đáp bố mẹ giúp em. Giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là sứ mệnh của lính hải quân chúng em, cũng là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước”.

Thời điểm đó, tình hình khu vực Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa có những diễn biến hết sức phức tạp, trung sĩ Trần Đức Bẩy ý thức rõ “biến cố” có thể ập đến bất cứ lúc nào. Khoảng hơn một tháng trước ngày định mệnh, đúng vào chiều 30 Tết, ông Thu nhận được lá thư dài bốn trang em trai gửi. Đó cũng là lần liên lạc cuối cùng của Trần Đức Bẩy với gia đình. “Bẩy viết rằng: Tết này em không ở nhà, bố mẹ và anh đừng buồn nhé! Hy vọng chiều 30 Tết sang năm em sẽ được cùng anh quây quần bên nồi bánh chưng bố gói và sáng mồng một được theo mẹ ra chùa thắp hương lễ Phật. Chúc bố mẹ và anh dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn”. Ông Thu vẫn nhớ như in từng câu chữ trong bức thư đó… Nhắc lại khoảnh khắc Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin tàu HQ 604 cùng hai tàu khác bị bắn, gia đình đã có linh cảm không lành, mắt ông Thu ầng ậc nước.

Một thời gian sau, khi nghe danh sách 64 chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu của hải quân ta ở đảo Gạc Ma có tên Trần Đức Bẩy, hai đấng sinh thành đau đớn đến suy sụp. “Hàng tuần liền, lịm đi thì thôi chứ tỉnh lúc nào mẹ tôi lại gào khóc gọi tên chú Bẩy lúc ấy. Bố tôi thì thờ thẫn ngồi ở góc buồng đưa bàn tay khô gầy xoa lên khuôn mặt trong bức di ảnh con trai”. Sao có thể không đau khi cả ba người con liệt sĩ đều không tìm được hài cốt? Bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ khiến ông Thu kìm nén không để nước mắt rơi. Ông tỏ ra vững vàng, xoa dịu bố mẹ: “Chú ấy và những đồng đội sẽ mãi bất tử bởi đã dũng cảm hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước”.

Được lập trang nghiêm trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã Lê Hồ, ngôi “mộ gió” của liệt sĩ Trần Đức Bẩy mỗi dịp ngày rằm, mồng một, ngày lễ, Tết, ngày giỗ… không chỉ có thân nhân, mà lãnh đạo xã, bà con quê hương, các cháu học sinh, sinh viên ở Lê Hồ và các xã lân cận vẫn đến thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ anh - người chiến sĩ hải quân dũng cảm.