Than Thống Nhất ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác

Trước những khó khăn, thách thức về kinh tế thị trường, diện khai thác ngày càng xuống sâu, điều kiện sản xuất khắc nghiệt, song Công ty Than Thống Nhất (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác, tạo đủ việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu khai thác 2,025 triệu tấn than nguyên khai; đào hơn 8.900 m lò; tổng doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng,...

Thợ lò Than Thống Nhất chuẩn bị vào ca sản xuất.
Thợ lò Than Thống Nhất chuẩn bị vào ca sản xuất.

Khoán chi phí, tiết kiệm sản xuất

Năm 2016 vừa qua là một năm TKV gặp “khó khăn kép” cả về sản xuất lẫn tiêu thụ. Giá bán than sụt giảm, thị trường tiêu thụ thu hẹp do than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh, gây sức ép lên thị trường trong nước, tồn kho tăng cao gây áp lực lớn đến tình hình tài chính... Không nằm ngoài những khó khăn chung của TKV, Công ty Than Thống Nhất cũng bị giảm sút về doanh thu, tiêu thụ khó, song lãnh đạo công ty đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống, thu nhập cho thợ mỏ, đẩy mạnh sản xuất theo hướng chỉ khai thác những chủng loại than phù hợp thị trường, giảm sản xuất các loại than khó tiêu thụ, giảm tối đa lượng than tồn kho. Đặc biệt, không để thợ lò bỏ việc, ổn định đời sống cho người lao động, thực hành tiết kiệm triệt để ở các khâu sản xuất. Bằng các giải pháp quyết liệt đó, năm vừa qua, công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra, sản xuất gần hai triệu tấn than, tăng 13% kế hoạch; đào gần 8.630 m lò (tăng 8%); tiêu thụ hơn 1,9 triệu tấn than (tăng 10%); doanh thu đạt hơn 1.896 tỷ đồng; bảo đảm việc làm, đời sống người lao động với mức thu nhập người lao động bình quân 11 triệu đồng/tháng. Trong quý I vừa qua, mặc dù thời gian sản xuất giảm do nhiều đợt nghỉ lễ dài ngày, song công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu chính: sản xuất gần 555 nghìn tấn than nguyên khai, bằng 27,54% kế hoạch năm và tăng hơn 4,2% so cùng kỳ năm trước; tiêu thụ gần 530 nghìn tấn than (tăng 5,5%); doanh thu than đạt 26,49% kế hoạch năm và bằng 97,29% so cùng kỳ, do đơn giá bán than bình quân năm nay thấp hơn đơn giá năm trước khoảng 3,5%. Quý II này, công ty phấn đấu sản xuất 586 nghìn tấn than nguyên khai, đào mới 2.780 m lò, tiêu thụ 572 nghìn tấn; doanh thu đạt 536 tỷ 831 triệu đồng,...

Giám đốc Công ty Than Thống Nhất Phạm Đức Khiêm cho biết: Ngay từ đầu năm, công ty đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó công tác khoán quản trị chi phí đóng vai trò quan trọng. Công ty đã xây dựng quy chế khoán sản phẩm, khoán chi phí sản xuất, tổ chức hạch toán và hướng dẫn chi tiết cụ thể kèm theo quy chế thưởng, phạt rõ ràng. Đồng thời, hoàn thiện quy chế khoán theo hệ thống từ công ty đến các phân xưởng sản xuất phù hợp điều kiện thực tế, đổi mới phương thức khoán, tăng cường khoán sâu, khoán rộng, khoán giá thành công đoạn cho tất cả các đơn vị sản xuất, giảm tối đa tỷ lệ hao hụt, gắn trách nhiệm của người lao động với công việc được giao, nâng cao ý thức tiết kiệm trong sản xuất. Theo phương thức khoán, các phân xưởng, tổ đội sản xuất đã chủ động, thường xuyên tiến hành rà soát các vị trí, thiết bị sản xuất, nhất là các vị trí tiêu hao vật tư lớn. Đối với quản lý chi phí, Công ty đã tiến hành hoàn thiện hệ thống định mức vật tư, vật liệu, các biện pháp quản lý vật tư, thiết bị, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất; thu hồi, sửa chữa phục hồi vật tư thiết bị để đưa trở lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào; quản lý chặt chẽ giá cả đầu vào sát thị trường; kiểm soát kế hoạch tiêu dùng của từng đơn vị. Trong năm 2016, công ty đã thu hồi gần 2.600 tấn thép chống lò, gông văng phụ kiện vì chống, trị giá gần bảy tỷ đồng, đưa vào tái sử dụng gần 1.400 tấn (trị giá gần bốn tỷ đồng). Ngoài ra, còn tận dụng lại các vật tư phụ tùng khác đưa vào tái sử dụng, tiết kiệm chi phí trong sản xuất như cột thủy lực đơn, xà hộp, cầu máng cào, xích máng cào,…

Tập trung cao độ công tác an toàn

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngoài nâng cao chất lượng lao động khi tuyển dụng, công ty còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức; thường xuyên kiểm tra sức khỏe, rà soát các vị trí lao động để điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất. Với mục tiêu tất cả vì an toàn cho người lao động, lãnh đạo công ty yêu cầu tổ trưởng, nhóm trưởng, quản đốc phân xưởng chịu trách nhiệm chính trước Ban Giám đốc về công tác an toàn; chỉ bố trí công nhân vào hầm lò khi đã chắc chắn bảo đảm an toàn, đầy đủ vật liệu, dụng cụ lao động và có cán bộ chỉ đạo ở những khâu chủ chốt. Anh Nguyễn Văn Cân, công nhân Phân xưởng Khai thác 11 chia sẻ: Tại Phân xưởng Khai thác 11, công nhân chúng tôi luôn xác định phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu được giao trước mỗi giờ vào ca. Đồng thời, tuyệt đối tuân thủ các quy trình an toàn lao động, mọi vị trí sản xuất phải được kiểm soát tốt thì mới bắt tay vào hoạt động.

Xác định sản xuất than luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người lao động, vì vậy, công ty tập trung cao độ cho công tác bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất và chăm lo đời sống người lao động. Thời gian gần đây, sản xuất, kinh doanh của Công ty Than Thống Nhất ngày càng bất lợi khi hầu hết các đường lò ở độ sâu mức 15 m nằm trong vùng đã khai thác; địa chất phức tạp, khiến năng suất không cao. Do vậy, công ty tiến hành chặt chẽ việc rà soát, củng cố khâu kiểm tra; đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ; duy trì hoạt động giám sát bằng ca-mê-ra 24/24 giờ tại các trạm kiểm soát để giám sát phương tiện và đường ra vào ranh giới mỏ. Năm 2016, công ty mua bổ sung 1.500 bình tự cứu POG - 8M (Ba Lan); 200 bình tự cứu cách ly độc lập 1PVM KS (U-crai-na); 40 bộ choòng khoan thăm dò (Nhật Bản); 2.000 mặt nạ phòng bụi kèm phin lọc. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, khảo sát và đánh giá các tuyến đường lò, mạng gió,... nhằm xác định rõ nguy cơ sự cố có thể xảy ra trong sản xuất than tại các công trường; kiên quyết dừng sản xuất những vị trí không bảo đảm an toàn. Người lao động vi phạm nội quy, quy định về an toàn, bảo hộ lao động, sẽ bị đình chỉ sản xuất, có hình thức xử lý trong vòng bốn ngày; nếu tái phạm sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Những quy chế nghiêm khắc này đã buộc người lao động tuân thủ nghiêm túc, tự giác trong quá trình làm việc. Để thu hút và giữ chân thợ lò, công ty công khai tiền lương và gắn trả lương sản phẩm không hạn chế, tăng đơn giá tiền lương cho công nhân làm việc trong lò, khen thưởng kịp thời người lao động có năng suất cao. Sau mỗi ca sản xuất, công nhân có thể biết ngay thu nhập của mình, giúp họ có động lực đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm an toàn lao động.

Năm 2017, dự báo ngành than còn khó khăn, song cán bộ, công nhân viên Công ty Than Thống Nhất vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch Tập đoàn TKV giao. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác khoán chi phí, bằng cách tập trung vào một số giải pháp như: sản xuất than chất lượng, đổi mới cơ cấu tổ chức, điều hành sản xuất hợp lý, khoa học, tiếp tục hoàn thiện công tác giao khoán, từng bước hoàn thiện định mức, nhất là định mức tiêu hao vật tư, nhiên liệu để làm cơ sở khoán chi tiết đến từng công đoạn, tính toán điều chỉnh cụ thể trong từng điều kiện và khối lượng công việc khác nhau.