Tham gia Hiệp định TPP giúp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

NDO -

NDĐT- Ngày 28-10, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội thảo “Tác động của TPP đối với Nông nghiệp và Lao động Việt Nam”.

Trồng hoa lan cắt cành xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh.
Trồng hoa lan cắt cành xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Trường đại học Văn Hiến, Trường đại học Kinh tế - Luật và Báo Người Lao Động đồng tổ chức nhằm xác định những cơ hội và thách thức của nông nghiệp và lao động Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới gồm 12 quốc gia. Việt Nam có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore). Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi.

Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2015 đang nhập khẩu chiếm tới 35%, cao su chiếm 48%, các mặt hàng rau quả chiếm tới 64%, gỗ chiếm hơn 13,2%, điều 12,3% tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam... Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tới trên 53,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp.

Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong nông nghiệp, giảm dần tình trạng được mùa mất giá.

Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa được đảm bảo; các trang thiết bị, công cụ bảo hộ an toàn cho người lao động còn thiếu thốn; chế tài xử phạt của nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm an toàn, vệ sinh lao động chưa có tính răn đe cao và nguy cơ hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi thuế xuất nhập khẩu 0% từ TPP do vi phạm điều khoản về sử dụng lao động…vẫn là thách thức cần vượt qua.

Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa và chống tham nhũng có mục đích thúc đẩy các mục tiêu, được chia sẻ bởi toàn bộ các bên tham gia Hiệp định TPP. Điều này giúp tăng cường quản trị tốt và xử lý những ảnh hưởng của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế các bên. Và các bên tham gia TPP phải bảo đảm rằng luật pháp, quy định và các quy chế hành chính có liên quan tới bất kỳ vấn đề nào được quy định bởi Hiệp định TPP sẽ được công bố công khai.