Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên có 6 phần, gồm: (1) Quá trình triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên; (2) Phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh; (3) Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội; (4) Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (5) Giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; (6) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện quy hoạch, phấn đấu đưa Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 sẽ mở ra nhiều cơ hội, động lực mới để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, các chuyên gia, ủy viên phản biện, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đưa ra 19 ý kiến góp ý, đánh giá rất cao bản quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên có chiều sâu, phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại; số liệu minh chứng đầy đủ, phân tích tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới; thể hiện khát vọng phát triển của địa phương.
Tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn chỉnh và giải trình xác đáng đối với ý kiến đóng góp trước đó của các đơn vị, bộ, ngành nên 100% thành viên đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay có 7 địa phương được Hội đồng thẩm định thông qua quy hoạch cấp tỉnh, trong đó Thái Nguyên là địa phương làm tốt nhất.