Thái Nguyên nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, những năm vừa qua, nhiều hộ dân các huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên bạt taluy để tạo mặt bằng xây nhà ở, công trình dưới chân đồi, núi làm thay đổi địa hình, địa chất. Mặt khác, biến đối khí hậu dẫn đến sạt lở thiệt hại về người và tài sản. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chính quyền các địa phương có nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 5/2022, gia đình bà Dương Thị Thắm ở thị trấn Hùng Sơn được huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên huy động phương tiện khắc phục sạt lở.
Tháng 5/2022, gia đình bà Dương Thị Thắm ở thị trấn Hùng Sơn được huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên huy động phương tiện khắc phục sạt lở.

Những năm vừa qua, nhất là từ năm 2019 trở về trước, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi như Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ bạt taluy, san gạt mặt bằng để xây dựng nhà ở, công trình phụ, chăn nuôi dưới chân núi, đồi.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Ở các huyện miền núi trong tỉnh, có đến vài trăm trường hợp bạt taluy làm nhà dưới chân núi, đồi. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn cực đoạn trong thời gian ngắn, có những nơi mưa đến hàng nghìn mm trong vòng 5, 6 tiếng dẫn đến sạt lở.

“Đặc biệt, có những vụ sạt lở lớn mà trước đó không ai nghĩ sẽ xảy ra sạt lở, vì không hề xuất hiện hiện tượng nứt, sạt trượt, sụt taluy. Do đó, khi sạt lở xảy ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, ông Bắc chia sẻ.

Điển hình là đêm 30/5/2022, một vụ sạt lở lớn bất ngờ ụp xuống gia đình anh Hoàng Văn Liền ở xóm Na Quán, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ làm ba người tử vong. Đáng chú ý là, trước đó gia đình anh Liền đã bạt ta luy, san gạt tạo mặt bằng dưới chân đồi để xây nhà ở; trên sườn đồi không hề xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt trượt.

Để tránh sạt lở gây thiệt hại về người, tài sản nhân dân, những năm vừa qua, nhất là mùa mưa lũ năm 2022, UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên tích cực chỉ đạo, liên tục ban hành các công điện hỏa tốc, văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường nắm tình hình nguy cơ sạt lở taluy để có giải pháp di dời người dân đến nơi an toàn.

Thực hiện chỉ đạo đó, lãnh đạo các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường trực 24/24 giờ trong những ngày mưa lũ để nắm bắt tình hình, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Cũng trong mùa mưa lũ năm 2022, Huyện uỷ, UBND huyện Đại Từ đã cử hàng trăm lượt đoàn công tác phối hợp với các xã về các địa bàn kiểm tra thực trạng các điểm có nguy cơ sạt lở, chỉ đạo di dời nhiều hộ dân ở các xã Minh Tiến, Phục Linh, Hà Thượng, Tân Thái đến nhà văn hoá các xóm. Cử lực lượng canh gác tại các ngầm tràn, đoạn đường bị ngập úng, kiên quyết không cho người dân và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn.

Trước nguy cơ sạt lở lớn tại xóm Chiểm, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra, khảo sát, đánh giá và đề nghị tỉnh và huyện Đại Từ quy hoạch, đầu tư khu tái định cư để di chuyển người dân đến sinh sống lâu dài. Một số địa phương bố trí ngay nhân lực, phương tiện khắc phục sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Phòng, chống thiên tai với tinh thần từ sớm, từ xa và chủ động, hiện nay Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo, tuyên truyền, vận động chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cấp xã kiểm tra, rà soát nắm chắc thực tế từng điểm có nguy cơ sạt lở cụ thể, báo cáo cơ quan chức năng có giải pháp lâu dài, hộ gia đình có phương án phòng ngừa, bảo đảm an toàn khi có mưa lớn kéo dài.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường quản lý đất đai, tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không tự ý đào, san gạt taluy khi chưa được phép, không bảo đảm an toàn lâu dài để làm nhà ở, công trình phụ.

Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở để có quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở cho các hộ dân có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, hoặc bố trí xen ghép đối với các hộ mất an toàn nhằm giải quyết triệt để thiệt hại về người, tài sản do san gạt ta luy làm nhà dưới chân đồi, núi trong những năm tới.