Thái Nguyên nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có tổng số vốn đầu tư công là hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.600 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, tỉnh mới giải ngân được 22% tổng số vốn và 35% vốn Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trước tình hình đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân hết số vốn này, góp phần sớm đưa các công trình vào sử dụng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công nâng cấp đường Thịnh Ðức (TP Thái Nguyên)-Bình Sơn (TP Sông Công).
Thi công nâng cấp đường Thịnh Ðức (TP Thái Nguyên)-Bình Sơn (TP Sông Công).

Năm 2024, nhóm các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, bao gồm các công trình hạ tầng giao thông như đường Vành đai 5 kết nối với tỉnh Bắc Giang, đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, sân vận động tỉnh, trụ sở khối các cơ quan tỉnh... được bố trí nguồn vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp, chỉ từ hơn 10% đến 20% số vốn được giao trong năm.

Nhóm các dự án, công trình do các địa phương làm chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân cũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Ðiển hình, thành phố Sông Công có hai công trình lớn là đường du lịch Sông Công-Núi Cốc có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng và dự án các khu dân cư, khu chức năng hai bên tuyến đường du lịch Sông Công-Núi Cốc có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng đang chậm tiến độ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thái Nguyên Hà Văn Dương lý giải: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra là do một số công trình, dự án vướng giải phóng mặt bằng; trình tự đầu tư, chuyển mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, di chuyển công trình điện, viễn thông mất nhiều thời gian, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ðấu thầu (sửa đổi) chậm ban hành. Ðồng thời, từ đầu năm đến nay mưa nhiều gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ, bởi khi mưa phải dừng thi công, sau khi hết mưa lại phải chờ 3-4 ngày để công trường khô ráo mới tiếp tục triển khai. Thời gian qua, mưa gối liên tục, cho nên mất rất nhiều thời gian chờ đợi.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng tỉnh Thái Nguyên quyết tâm triển khai những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, nhất là công tác cán bộ để đến 31/12/2024 giải ngân đạt 90% tổng số vốn và đến hết tháng 1/2025 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024 theo quy định.

Cụ thể, được giao số vốn đầu tư lớn nhất, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thay thế Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và kỷ luật một số cán bộ liên quan. Ðồng thời, tỉnh giao giải ngân hết vốn đầu tư công cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm; thay thế người đứng đầu nếu để tiến độ thi công chậm, khó khăn, vướng mắc kéo dài mà không được tháo gỡ kịp thời.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thái Nguyên Dương Phương Hoa, từ nay đến cuối năm, sở được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, rà soát từng dự án, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể; điều chỉnh vốn từ dự án không có khả năng giải ngân sang dự án giải ngân tốt; khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị đầu tư đối với dự án mới, tránh chỉnh sửa thiết kế, dự toán để khởi công ngay; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng để triển khai công trình thuận lợi.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đề ra từng mốc thời gian giải ngân cụ thể, thời gian gần đây, các cấp, ngành, nhất là các chủ đầu tư có nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn. Là chủ đầu tư được giao số vốn đầu tư công lớn nhất, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, sau khi củng cố nhân sự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ công trình, đẩy mạnh giải ngân vốn trong thời gian tới.

Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với từng nhà thầu, các địa phương và xác định nhiều dự án giao thông lớn bị chậm tiến độ là do thời tiết mưa nhiều (tổng cộng hơn 100 ngày mưa trong thời gian qua), giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống điện còn nhiều vướng mắc; một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị so với yêu cầu; tổ chức thi công chưa khoa học, chưa quyết liệt, còn dàn trải. Ðây là những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công, chậm giải ngân. Chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra để giải quyết ngay các vấn đề này trong thời gian ngắn sắp tới".

Tương tự, Ủy ban nhân dân thành phố Sông Công và các địa phương khác trong tỉnh cũng đã tổ chức các nhóm cán bộ kiểm tra tiến độ thi công, việc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các nhà thầu, tư vấn giám sát ký cam kết về bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, tiến độ giải ngân từng mốc thời gian cụ thể, đến hết quý III giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn, quý IV giải ngân đạt 90% và hết tháng 1/2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn theo quy định của năm tài chính 2024.