Sau khi có tuyên bố này, hàng trăm cảnh sát kiểm soát đám đông tiến dần từ đường Phitsanulok đến giao lộ Nang Loeng gần Tòa nhà Chính phủ để buộc những người biểu tình ra khỏi khu vực. Những người biểu tình được cho là đã ném các vật nhỏ vào cảnh sát, nhưng cuối cùng đã giải tán khỏi các khu vực. Khoảng gần 5 sáng ngày 15-10, cảnh sát đã giành được quyền kiểm soát các khu vực phía trước Tòa nhà Chính phủ cũng như toàn bộ đại lộ Ratchadamnoen Nok.
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã leo thang trong ba tháng qua và cuộc biểu tình mới nhất diễn ra từ ngày 14-10 tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ trên đại lộ Ratchdamneon đến Tòa nhà Chính phủ nhằm nhấn mạnh yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, soạn thảo Hiến pháp mới và cải cách chế độ quân chủ.
Cho đến tối 14-10, cuộc biểu tình hầu như diễn ra trong hòa bình, chỉ có một vài cuộc đối đầu nhỏ với cảnh sát và một nhóm nhỏ những người bảo hoàng (phe Áo vàng) xếp hàng trên đại lộ Ratchadamneon để bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhà vua khi đoàn xe Hoàng gia đi qua. Sau khi tới Tòa nhà Chính phủ, những người biểu tình đã tuyên bố ý định ở lại cắm trại bên ngoài Tòa nhà Chính phủ trong ít nhất ba ngày để gây áp lực buộc Thủ tướng Prayut từ chức.
Có thông tin cho biết các nhà lãnh đạo biểu tình Parit Chiwarak và Anon Nampa đã bị bắt tại giao lộ Nang Loeng. Trước đó, nhà hoạt động chính trị Jatupat “Pai Dao Din” Boonpatararaksa đã bị bắt giam cùng với 20 người khác trong cuộc biểu tình chống Chính phủ hôm 13-10, tại Tượng đài Dân chủ. Nhà bất đồng chính kiến kỳ cựu này sẽ tiếp tục bị giam giữ sau khi Tòa án Hình sự ngày 14-10 chấp thuận yêu cầu của cảnh sát giam giữ trong 12 ngày, trong khi điều tra hành vi sai trái mà nhân vật này bị cáo buộc.
Theo Kritsadang Nutcharat, một luật sư thuộc tổ chức Các luật sư nhân quyền Thái Lan cho biết, Jatupat đang phải đối mặt với 12 cáo buộc liên quan đến cuộc biểu tình hôm 13-10, trong khi 19 người khác đang đối mặt với 10 cáo buộc.