Từ năm 2005, Thái Lan được đánh giá là một xã hội “đang già hóa” với 10% dân số có độ tuổi từ 60 trở lên. Đến năm 2022 vừa qua, với 15,8 triệu người (chiếm 22% tổng dân số) có độ tuổi từ 60 trở lên, Thái Lan đã chính thức trở thành “xã hội già hóa”.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn Thái Lan (Kresearch) vừa công bố, quốc gia Đông Nam Á này đang có nguy cơ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2029 do sự sụt giảm về dân số trong 3 năm qua.
Đến năm 2022, với 15,8 triệu người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 22% tổng dân số), Thái Lan đã chính thức trở thành “xã hội già hóa”.
Quá trình già hóa dân số ở Thái Lan đang diễn ra tương đối nhanh. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2020, số người từ 65 tuổi trở lên ở Thái Lan đã tăng gấp đôi và sẽ tăng gấp đôi một lần nữa, chiếm 26% dân số Thái Lan vào năm 2040. Tính đến năm 2020, có khoảng 13% dân số Thái Lan trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Tình trạng già hóa dân số đang tạo ra những tác động nghiêm trọng đối với thị trường lao động và sự phát triển kinh tế chung của Thái Lan. Các dự báo về tác động tiềm ẩn cho thấy, nếu không có bất kỳ sự điều chỉnh nào thì những thay đổi về nhân khẩu học sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người 0,86% trong những năm 2020.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan, tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters) |
Các báo cáo cũng cho thấy, tốc độ già hóa dân số nhanh đang tạo ra những tác động tiêu cực tới lực lượng lao động của Thái Lan. Sự thay đổi về nhân khẩu học có thể khiến lực lượng lao động Thái Lan giảm với tốc độ khoảng 5%/năm trong giai đoạn 2020-2060 với mức giảm tổng cộng lên tới 14,4 triệu người. Điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan.
Ngoài ra, số lượng người cao tuổi gia tăng sẽ gây sức ép lên quỹ lương hưu và trợ cấp cho người già của Chính phủ Thái Lan. Hiện nay, quốc gia này có nhiều loại quỹ lương dành cho người về hưu, thí dụ: Quỹ An ninh xã hội, Quỹ Lương hưu Chính phủ và Quỹ Tiết kiệm quốc gia. Những người không được hưởng trợ cấp từ những quỹ này được nhận tiền từ chương trình trợ cấp tuổi già của Chính phủ Thái Lan.
Thái Lan có nguy cơ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2029 do sự tụt giảm về dân số trong 3 năm qua.
Theo số liệu của Văn phòng Chính sách tài khóa Thái Lan, năm 2021, Thái Lan đã phải chi 750 tỷ bạt (tương đương 4,43% GDP) để dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, số tiền phải chi cho việc này trong năm 2013 chỉ vào khoảng 430 tỷ bạt.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (K-Research), có tới 95 đến 96% số người cao tuổi ở Thái Lan có mức thu nhập từ thấp tới trung bình. Những thay đổi về nhân khẩu học đặt ra những thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa gây ra những khó khăn to lớn đối với không chỉ nền kinh tế Thái Lan mà còn cuộc sống của từng người dân.
Buổi học của học sinh tiểu học tại Bangkok, Thái Lan, tháng 2/2021. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trong những năm qua, ý thức được xu thế này, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực nghiên cứu điều chỉnh chính sách và triển khai nhiều biện pháp để thích nghi với tình hình như nghiên cứu sửa đổi luật lương hưu, nâng mức trợ cấp cho người già lên 3.000 bạt thay vì chỉ được tối đa 1.000 bạt như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ y tế, đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để phục vụ tốt hơn cho khách hàng cao tuổi. Ngoài y tế, các sản phẩm thực phẩm chức năng và y tế, vật dụng thời trang cho người tiêu dùng cao tuổi cũng đang bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Thái Lan, trong 10 năm qua, tỷ lệ sinh của Thái Lan trên đà giảm mạnh, từ 818.901 bé trong năm 2012 xuống chỉ còn 544.570 bé trong năm 2021. Tỷ lệ sinh ở Thái Lan hiện ở mức 0,76% mỗi năm, trong khi số người ở độ tuổi thanh thiếu niên chỉ chiếm khoảng 1,33% dân số.