Theo Tiến sĩ Chakkarat Pitayowonganon, người phụ trách bộ phận dịch tễ học của DoDC, tính đến nay đã có khoảng 10% trong tổng số 67,5 triệu dân Thái Lan từng nhiễm Covid-19.
Nếu kết hợp với số người đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và 1 mũi vaccine tăng cường, thì số người có khả năng kháng virus SARS-CoV-2 hiện đã đạt khoảng 50% dân số Thái Lan.
Tiến sĩ Chakkarat cho rằng Chính phủ Thái Lan cần ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran Thái Lan hồi tuần trước, rất nhiều người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động quay về quê ăn tết và tham gia các hoạt động lễ hội.
Mặc dù có thể chỉ mắc bệnh nhẹ nếu bị nhiễm Covid-19 bởi đã được tiêm đầy đủ vaccine cùng 1 hoặc 2 mũi vaccine tăng cường, nhưng những người này lại gây ra nguy cơ lây lan virus sang các nhóm có nguy cơ cao khi đoàn tụ gia đình và bạn bè.
Ông Chakkarat lưu ý rằng tại Thái Lan còn có khoảng 55% số người trong các nhóm nguy cơ chưa hề được tiêm 1 mũi vaccine nào.
Ông cũng cho rằng rất nhiều người quay trở về quê nhà trong dịp Songkran đã mang theo virus và có thể khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh sau dịp nghỉ lễ.
Nhiều chuyên gia ước tính, sau kỳ nghỉ Tết Songkran, số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan có thể tăng vọt lên mức từ 50 nghìn đến 100 nghìn ca mỗi ngày.
Tiến sĩ Chakkarat khuyến cáo người dân Thái Lan đã tiếp xúc gần với những người có nguy cơ cao cần đeo khẩu trang y tế, ngủ ở phòng riêng, thực hiện giãn cách xã hội khi ăn uống và tiêm vaccine đầy đủ cho những người cao tuổi trong gia đình.
Theo số liệu được Bộ Y tế Thái Lan công bố sáng 19/4, trong vòng 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 129 ca tử vong do Covid-19, tăng 5 trường hợp so với 1 ngày trước đó và đạt kỷ lục trong đợt bùng phát dịch lần này.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới lại tiếp tục giảm trong ngày thứ tư liên tiếp, xuống chỉ còn 16.891 ca và thấp hơn 103 ca so với 1 ngày trước đó.