Thái Lan tìm thấy ống chứa phóng xạ bị thất lạc

NDO - Ngày 20/3, Văn phòng Nguyên tử vì Hòa bình Thái Lan (OAP) và giới chức tỉnh Prachin Buri thông báo, ống chứa chất phóng xạ nguy hiểm Caesium-137 bị thất lạc hôm 10/3 đã được tìm thấy tại một xưởng đúc kim loại ở quận Kabin Buri và đã được kiểm soát an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ống chứa phóng xạ Caesium-137 được lực lượng chức năng tìm thấy tại một nhà máy thép thuộc quận Kurin Buri. (Ảnh: The Nation)
Ống chứa phóng xạ Caesium-137 được lực lượng chức năng tìm thấy tại một nhà máy thép thuộc quận Kurin Buri. (Ảnh: The Nation)

Theo Tỉnh trưởng Prachin Buri, ông Ronnarong Nakornjinda, sau khi tiến hành kiểm tra các nhà máy thép trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện các chỉ số phóng xạ tại một xưởng đúc thép lớn nhất của tỉnh, ở quận Kabin Buri. Các nhà chức trách sau đó đã ra lệnh đóng cửa nhà máy trên, đồng thời tiến hành phong tỏa nhằm bảo đảm an toàn.

Theo chuyên gia bức xạ cấp cao của OAP, Kitkawin Aramrun, không phát hiện bất cứ dấu hiệu ô nhiễm nào trong bán kính 5km tính từ khu vực nhà máy. Ngoài ra, khoảng 70 nhân viên tại nhà máy sau khi được kiểm tra không có dấu hiệu bị nhiễm chất phóng xạ.

Trước đó, một ống thép dài 30cm, rộng 13cm và nặng 25kg có chứa chất phóng xạ nguy hiểm Caesium-137 thuộc Nhà máy điện Quốc gia 5A ở quận Sri Maha Phot - cách Bangkok 160km về phía đông, được cho là đã mất tích vào ngày 23/2, tuy nhiên công ty sở hữu chỉ trình báo vụ việc với lực lượng chức năng hôm 10/3.

Trong khi đó, Giám đốc Y tế cộng đồng tỉnh Prachin Buri, Surin Suebsueng cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hồ sơ từ một tháng trước tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe trong tỉnh, tuy nhiên không tìm thấy trường hợp nghi ngờ nào bị ốm hoặc bị thương do tiếp xúc với chất phóng xạ.

Caesium-137 là chất phóng xạ có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm và tồn tại trong môi trường trong 300 năm. Các ống Caesium-137 được sử dụng trong máy đo bức xạ để phát hiện các vết nứt và các dấu hiệu bất thường khác trong đường ống. Một người bình thường nếu tiếp xúc với chất phóng xạ này có thể bị bỏng nặng và phơi nhiễm phóng xạ tương đương với việc chiếu 10 tia X mỗi giờ.

Theo Tỉnh trưởng Prachin Buri, ống chứa phóng xạ Caesium-137 bị mất tích khi được vận chuyển giữa các địa điểm và không bị đánh cắp như nghi ngờ ban đầu.