Theo nội dung dự thảo sắc lệnh được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đệ trình ngày 17/3 vừa qua, Hạ viện Thái Lan đã thực hiện nhiệm vụ của mình từ năm 2019, và năm nay là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Hạ viện. Thủ tướng Thái Lan đề xuất giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử bầu ra các thành viên của Nghị viện mới theo quy định của Hiến pháp Thái Lan.
Sắc lệnh nhấn mạnh: “Việc này là nhằm trả lại quyền quyết định chính trị cho người dân một cách nhanh chóng để tiếp tục một hệ thống dân chủ với Nhà vua là người đứng đầu nhà nước”.
Ngày 20/3, bản dự thảo Sắc lệnh đã được Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn phê chuẩn. Sắc lệnh đã được đăng trên Công báo Hoàng gia Thái Lan và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo quy định của luật pháp Thái Lan, một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Hạ viện mới sẽ được tổ chức trong vòng từ 45 đến 60 ngày kể từ khi Hạ viện giải tán. Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ có năm ngày để chuẩn bị và thông báo ngày tổ chức tuyển cử. Theo đó, cuộc Tổng tuyển cử có thể sẽ diễn ra vào ngày 7 hoặc 14/5.
Sau khi Hạ viện bị giải tán, Chính phủ hiện tại sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với tư cách là chính phủ tạm quyền.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Hành chính phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và là ứng cử viên của đảng Pheu Thai đang dẫn đầu với tỷ lệ 38,2% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hiện chỉ đứng thứ ba với 15,65%.