Việc đăng ký và trình diện của các Thượng nghị sĩ được tiến hành trong các ngày 11, 12 và 15/7. Trước đó, tối 10/7, Công báo Hoàng gia Thái Lan công bố danh sách chính thức 200 Thượng nghị sĩ sau cuộc bầu cử Thượng viện được tổ chức hôm 26/6.
Việc công bố danh sách chính thức Thượng nghị sĩ được tiến hành sau khi Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (ECT) xem xét hàng chục vụ khiếu nại và kiện cáo liên quan danh sách 200 Thượng nghị sĩ.
Theo đó, một Thượng nghị sĩ thuộc nhóm truyền thông, được bầu trong cuộc bầu cử hôm 26/6 đã bị ECT đình chỉ và một đại biểu trong danh sách dự bị thuộc nhóm truyền thông có số phiếu cao nhất được ECT đôn lên danh sách 200 Thượng nghị sĩ chính thức.
Với 3 vòng bầu cử, gồm cấp quận/huyện ngày 9/6, cấp tỉnh/thành phố ngày 16/6 và cấp quốc gia ngày 26/6, cuộc bầu cử Thượng viện Thái Lan với 46.715 ứng viên đủ tiêu chuẩn tranh cử chức Thượng nghị sĩ đã bầu ra được 200 Thượng nghị sĩ.
Thái Lan bầu 200 thượng nghị sĩ vào Thượng viện
Cuộc bầu cử Thượng viện Thái Lan được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử có thể lệ bầu rất phức tạp, do các ứng cử viên tự bầu cho nhau theo nhóm và sau đó là bầu chéo giữa 20 nhóm ngành nghề là: (1) hành chính sự nghiệp; trật tự, an ninh; (2) luật pháp và tư pháp; (3) giáo dục; (4) y tế; (5) làm ruộng và nghề nông; (6) làm vườn, trồng rừng, đánh bắt hải sản; (7) nhân viên công ty, người làm thuê; (8) bảo vệ môi trường, quy hoạch, bất động sản, năng lượng; (9) doanh nhân của doanh nghiệp vừa và nhỏ; (10) các ngành nghề khác nhóm 9; (11) doanh nhân hoặc làm về du lịch; (12) doanh nhân làm về ngành công nghiệp; (13) người làm về ngành khoa học công nghệ: (14) phụ nữ; (15) người cao tuổi, người khiếm khuyết, dân tộc ít người; (15) văn hóa nghệ thuật, giải trí; (17) các nhóm xã hội, các tổ chức xã hội; (18) nhóm truyền thông; (19) các nhóm nghề tự do; và (20) các ngành nghề khác.
Đây là khóa thứ hai của Thượng viện Thái Lan kể từ Hiến pháp mới nhất của Thái Lan năm 2017.
Thượng viện khóa này không được tham gia bầu Thủ tướng như khóa đầu tiên thành lập năm 2019, tuy nhiên các thành viên Thượng viện vẫn giữ quyền giám sát chính phủ, tham gia các phiên chất vấn, thông qua các dự luật lập pháp và bổ nhiệm thành viên các cơ quan tư pháp quyền lực tại Thái Lan, như Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Phòng chống tham nhũng, Ủy ban Bầu cử quốc gia, Ủy ban Kiểm toán nhà nước.