Thái Lan cam kết quyết liệt hơn trong chống biến đổi khí hậu

NDO -

Ngày 3/11, tại phiên họp các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha tuyên bố Thái Lan sẽ quyết liệt hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu sẽ ngừng phát thải khí nhà kính trước năm 2065.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại COP26. (Ảnh: Chính phủ Thái Lan)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại COP26. (Ảnh: Chính phủ Thái Lan)

Trong bài phát biểu của mình, ông Prayut nhấn mạnh Thái Lan rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và nước này sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia và tổ chức để đạt được mục tiêu chung của thế giới, vì tương lai của thế hệ trẻ. Ông nhấn mạnh, Thái Lan sẵn sàng quyết liệt hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng tất cả mọi biện pháp có thể, nhằm đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phát thải khí nhà kính về mức 0 trước năm 2065.

Ông khẳng định, với sự hợp tác và chuyển giao công nghệ đầy đủ, kịp thời và quan trọng nhất, khả năng tiếp cận các cơ sở tài chính xanh phong phú, Thái Lan có thể tăng Mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) lên 40% và đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng Thái Lan cho biết, là nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) năm 2022, Thái Lan đã xác định Mô hình Kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) là chủ đề của sự kiện.

Ông Prayut chia sẻ, lý do chính khiến Thái Lan tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2015 và phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vì Thái Lan là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự suy thoái của bầu khí quyển. Kể từ đó đến nay, Thái Lan đã thực hiện mọi cam kết của mình đối với cộng đồng quốc tế một cách đầy đủ và liên tục.

Thái Lan đã đặt ra mục tiêu Nama (Hành động giảm nhẹ phù hợp quốc gia) trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm giảm ít nhất 7% lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành năng lượng và giao thông vào năm 2020. Tuy nhiên, vào năm 2019, Thái Lan đã giảm lượng phát thải khí nhà kính 17%, tăng gấp đôi so với mục tiêu và sớm hơn một năm so với dự kiến. Thái Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đệ trình bản sửa đổi NDC và Chiến lược phát triển phát thải khí nhà kính thấp dài hạn (LT-LEDS) lên UNFCCC và đã ra các kế hoạch ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng Thái Lan kêu gọi tất cả các quốc gia quan tâm tới việc bảo vệ thế giới bởi sẽ không có “Kế hoạch B” cho hành động khí hậu cũng như sẽ không có “Hành tinh B” cho nhân loại.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu