Từ ngày 1/4, ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử trên quy mô toàn tỉnh. Đây là bước đi đột phá nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đi lại giao dịch cho người nộp thuế.
Hiện nay, người dân và doanh nghiệp thực hiện đăng ký, khai nộp, hoàn thuế bằng phương thức điện tử (thời gian 24/24 giờ; 7/7 ngày trong tuần ở bất cứ đâu có mạng internet), không còn phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Sự thay đổi này còn giúp giảm tình trạng quá tải tại cơ quan thuế khi đến hạn nộp hồ sơ khai thuế; giảm áp lực phải thu nhận hồ sơ giấy và giảm thiểu công việc nhận và nhập thủ công các hồ sơ thuế.
Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình, cho biết: Trong thời gian qua, ngành thuế triển khai nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tốc độ cao, bảo đảm yêu cầu truyền nhận, trao đổi dữ liệu để triển khai các ứng dụng xử lý tập trung như: Ứng dụng quản lý thuế, ứng dụng email, trao đổi tin nhắn, hội họp trực tuyến trong toàn ngành…
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp gồm: Xây dựng cổng điện tử và kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử (Etax); thuế điện tử dành cho thiết bị di động (Etax-mobile); cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế miễn phí…
Ngoài ra, hỗ trợ khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ ô-tô, xe máy trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, lệ phí trước bạ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Qua đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế tỉnh Thái Bình đã giúp tăng thu ngân sách bằng cách tăng cường quản lý thuế và tăng cường tuân thủ tự nguyện, nhất là đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Mặt khác, cho phép cơ quan thuế theo dõi các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả với chi phí thấp, thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo đê xác định các doanh nghiệp gian lận (dựa trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp).
Hiện nay, ngành thuế Thái Bình đang tiếp tục nâng cấp mở rộng băng thông, đường truyền, nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thông để bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật tốt nhất, thông suốt phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.