Theo đó, tất cả các trường hợp đi lại, công tác, làm việc hằng ngày qua 7 chốt kiểm dịch liên ngành của tỉnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) có hiệu lực trong 72 giờ (tức 3 ngày).
Trước đây, các trường hợp này được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cấp thẻ “thông chốt” (kết quả xét nghiệm có hiệu lực trong 7 ngày), nay đã bãi bỏ, không còn tác dụng.
Bên cạnh đó, ngoài xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác như hộ chiếu, căn cước công dân…, thì hiện nay công dân buộc phải có thêm giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị công tác khi qua chốt kiểm soát liên ngành tỉnh Thái Bình.
Nhìn chung, thay đổi này của địa phương được dư luận nhân dân trong tỉnh ủng hộ, đồng thuận do diễn biến dịch khó lường và nguồn lây chủ yếu từ tỉnh ngoài vào địa bàn.
Tuy nhiên, đối với số lao động tự do thường xuyên qua lại chốt sang Nam Định làm việc đang gặp nhiều khó khăn. Trong sáng 10/9, tại chốt kiểm dịch cầu Tân Đệ (phía tỉnh Nam Định), phóng viên gặp một nhóm người từ Thái Bình sang làm việc tại công trường Khu đô thị Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc).
Họ cho biết, việc điều chỉnh test nhanh chỉ có hiệu lực trong 3 ngày là trở ngại rất lớn khi đi lại hằng ngày qua chốt. Từ nay, mỗi tháng số lao động tự do này phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để thực hiện test nhanh bắt buộc, đánh thẳng vào nguồn thu nhập vốn dĩ đã ít ỏi.
Còn tại Công ty cổ phần May sông Hồng, nơi có hơn 200 công nhân người Thái Bình thường xuyên sang làm việc thông qua chốt Tân Đệ, theo tính toán của đơn vị, sẽ phát sinh mỗi tháng hơn 400 triệu đồng chỉ để chi trả xét nghiệm cho số người này.
Phía doanh nghiệp đề nghị nên có chính sách đặc thù trong thời điểm hiện nay, nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch. Đó là, công nhân sang làm việc được cấp thẻ nhận diện, test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong 7 ngày và hằng tuần sẽ xét nghiệm xác suất tỷ lệ 20% trong tổng số công nhân.