Thái Bình tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Nhằm hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thời gian qua các tổ chức tín dụng ở tỉnh Thái Bình đã ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; các chương trình, chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt hơn 94.110 tỷ đồng, tăng 9,2% so năm trước.
Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt hơn 94.110 tỷ đồng, tăng 9,2% so năm trước.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình: Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 33 nghìn 800 tỷ đồng, tăng 4,6% so năm trước và chiếm 36% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với gần 104 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.662 tỷ đồng; dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo, tín dụng đầu tư…) đạt 6.021 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

Thái Bình tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Nhờ nguồn vốn 70 triệu đồng cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Bình đã giúp gia đình anh Lê Văn Hùng (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) phát triển cơ sở sản xuất cơ khí, tạo thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cam kết bảo lãnh doanh nghiệp với doanh số 5.788 tỷ đồng; số dư cam kết bảo lãnh đến 31/12/2023 đạt 7.918 tỷ đồng. Thông qua hoạt động bảo lãnh ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án, các thỏa thuận hợp tác đầu tư và quan trọng nhất là tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước, Chi nhánh tỉnh Thái Bình, cho biết, bên cạnh công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát việc triển khai chính sách tín dụng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thái Bình tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ảnh 2

Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại xã Đông Quý (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Theo đó, đến 31/12/2023 có 13 doanh nghiệp, 1 hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 và Thông tư số 03. Doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 650 tỷ đồng, trong đó số tiền lãi được hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 20 doanh nghiệp và 90 cá nhân được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02. Tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 350 tỷ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 220 tỷ đồng.

Qua theo dõi, cùng với việc ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực sản xuất thì tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đạt 1.950 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng dư nợ; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống dư nợ đạt 4.260 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Thái Bình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, còn có 28 Chi nhánh Ngân hàng, 85 Quỹ tín dụng nhân dân và 1 Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô hoạt động.

Thái Bình tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ảnh 4

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo củng cố hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.

Mạng lưới của hệ thống Ngân hàng Thái Bình tiếp tục được phát triển củng cố, gắn liền với chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.