Ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 194 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 146 sản phẩm xếp hạng 3 sao của 137 chủ thể sản xuất (38 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 45 hộ kinh doanh).
Như vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP tại Thái Bình đã vượt 29,67% so với mục tiêu đề ra của tỉnh, đó là “đến năm 2025 có 150 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên”. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương trong thay đổi nhận thức, quyết tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đầy phong trào phát triển ổn định, có tính bền vững.
Sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tiêu biểu của các địa phương được giới thiệu, quảng bá tại các Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" do tỉnh Thái Bình tổ chức. |
Qua theo dõi, trong số sản phẩm OCOP đã được công nhận có 142 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 25 sản phẩm lúa gạo. Điều này phản ánh đúng thực tế hiện nay ở địa phương, khi các sản phẩm nông sản tiếp tục chủ động tìm hướng đi cho mình để khẳng định thương hiệu, đồng thời mở rộng tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn, góp phần tăng giá trị và thu nhập cho chính người nông dân.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thông tin nhanh: Toàn huyện đã có 42 sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm gần ¼ tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Ngay từ năm 2022, địa phương chủ động xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Nông sản 14/10” với mục tiêu xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP mang một thương hiệu chung tạo sức lan tỏa lớn.
Sản phẩm OCOP 4 sao trứng vịt biển Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) được tiêu thụ mạnh trong các hệ thống siêu thị toàn quốc. |
Để thu hút các chủ thể tham gia nhiều hơn vào Chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân huyện quyết định hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng/1 sản phẩm. Bên cạnh đó, thành lập Hội OCOP huyện Tiền Hải với 27 hội viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, 37 sản phẩm OCOP của hội đã được giới thiệu, quảng bá, thâm nhập thị trường tại 11 hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tại huyện Hưng Hà, ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, lãnh đạo huyện rất quan tâm, chú trọng đến phát triển sản phẩm OCOP để nâng tầm thương hiệu. Thời điểm này, địa phương đã có 22 sản phẩm được công nhận, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao. Trong giai đoạn từ năm 2021-2025, huyện Hưng Hà ban hành cơ chế hỗ trợ đến 100 triệu đồng/sản phẩm, một con số rất cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh Thái Bình nhằm thúc đẩy phong trào.
Toàn tỉnh Thái Bình có 25 sản phẩm lúa gạo được công nhận đạt chuẩn OCOP. |
Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho phát triển Chương trình OCOP. Như ở huyện Thái Thụy, trong từng giai đoạn có cơ chế hỗ trợ riêng, phù hợp với tình hình thực tế.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2021 đến năm 2023, huyện hỗ trợ Hợp tác xã, hộ gia đình tới 90 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tối đa 60 triệu đồng/sản phẩm và không quá 3 sản phẩm/chủ thể. Còn trong năm 2024, việc hỗ trợ các sản phẩm OCOP được lồng ghép trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
130 gian hàng OCOP tụ hội về Lễ hội chùa Keo Thái Bình năm 2024
Còn tại Vũ Thư, ông Nguyễn Bá Lục, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chia sẻ: “Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp tại các địa phương. Qua đây, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp”.
Hiện nay, Vũ Thư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận 30 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước như: Bánh quy khoai tây Omeli, bánh quế cuộn sữa dừa dưa lưới Omeli, Kẹo dẻo sữa dừa, bánh trứng kem sữa Topplus... của Công ty Cổ phần quốc tế Bảo Hưng; chả cá Hạnh Dũng ở xã Xuân Hòa; tranh thêu tay truyền thống xã Minh Lãng…
Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (huyện Vũ Thư) có 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. |
Cũng giống như các địa phương khác, Vũ Thư ban hành chính sách hỗ trợ hấp dẫn để thúc đẩy các cơ sở sản xuất, Hợp tác xã tham gia tích cực, chủ động vào Chương trình OCOP. Cụ thể, huyện quyết định hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm 4 sao và 80 triệu đồng/sản phẩm 3 sao cho các xã chưa có sản phẩm OCOP.
Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh thông tin nhanh: Đối với việc xây dựng sản phẩm OCOP, ngay trong năm nay các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 89 sản phẩm đăng ký tham gia. Dự kiến trong năm 2025, có khoảng 70 xã tham gia Chương trình ý nghĩa này.
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tiêu biểu ở tỉnh Thái Bình đang góp phần tạo thương hiệu mạnh, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường và quảng bá tốt hình ảnh cho địa phương. |
Theo ông Phương, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm khoảng 30%.