Ngay trong ngày 9/8, tỉnh Thái Bình đã gửi Công điện khẩn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của phương tiện cũng như hướng dẫn việc neo, đậu tránh trú bão.
Địa phương tập trung rà soát phương án di dời lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người sinh sống trong khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn.
Ngoài ra, kiểm tra phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu và các công trình thi công tại các tuyến đê cửa sông, đê biển. Đối với công trình đang thi công dang dở, nhất là các cống qua đê phải khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, gia cố mái đê, thân đê bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác cứu hộ đê.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho hay: Thời điểm này, sở yêu cầu các địa phương khẩn trương tiêu triệt để nước đệm trong hệ thống; đóng các cống tưới, mở các cống tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.
Thông tin nhanh từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), số lượng tàu, thuyền đơn vị đang quản lý là 334 phương tiện với 1.238 lao động. Trong đó, có 313 phương tiện với 1.060 lao động chuyên khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Trước diễn biến của bão số 2, đơn vị đang tập trung liên lạc, kêu gọi và hướng dẫn phương tiện nhanh chóng về nơi trú ẩn an toàn; thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để không đi vào vùng nguy hiểm. Các phương tiện đánh bắt gần bờ cũng đang được quản lý, theo dõi rất chặt chẽ.