Thái Bình hướng về cơ sở, tạo điểm tựa phát triển

Vận dụng nhận thức mới của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, Tỉnh ủy Thái Bình đổi mới công tác dân vận theo hướng bám sát tình hình cơ sở và đời sống của nhân dân. Cấp ủy các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân; lấy đồng thuận của nhân dân làm điểm tựa phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Dân vận theo hướng bám sát tình hình cơ sở và đời sống nhân dân giúp xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở huyện Kiến Xương. (Ảnh HỒNG QUANG)
Dân vận theo hướng bám sát tình hình cơ sở và đời sống nhân dân giúp xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở huyện Kiến Xương. (Ảnh HỒNG QUANG)

Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của địa phương đã được nhân dân chung sức gánh vác. Từ một địa phương thuần nông, Thái Bình đã nhanh chóng bứt phá trở thành điểm sáng thu hút phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo động lực phát triển

Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng 430/630 ha đất nông nghiệp, liên quan đến hơn 300 hộ dân để nhường đất cho xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Đây là khó khăn, thách thức lớn đối với hệ thống chính trị của Thụy Liên khi bà con còn nhiều thắc mắc, băn khoăn về giá cả bồi thường, công ăn việc làm sau thu hồi đất ruộng, môi trường sống ảnh hưởng… Đảng ủy xã xác định, để hoàn thành nhiệm vụ thì không chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính mà công tác dân vận phải đi trước mở đường, lấy đồng thuận của nhân dân làm nguồn lực vượt khó, phát triển.

Chủ động đến và tìm cách giải quyết dứt điểm các kiến nghị của dân là phương châm mà đội ngũ cán bộ xã áp dụng trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương. Tính khoảng thời gian cao điểm triển khai (năm 2022), hệ thống chính trị xã Thụy Liên đã có hơn 100 lượt gặp gỡ, tiếp dân, đối thoại với người dân để tìm tiếng nói chung. Nhiều nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã tiếp nhận, chuyển lên cấp trên, kịp thời giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Có những vấn đề không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn phức tạp hơn như di chuyển nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ lâu đời, cán bộ xã lại phải hết sức khéo léo, kiên trì. Bí thư Đảng ủy xã Thụy Liên Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, phải di dời một ngôi mộ lâu đời mà người nhà thì đã chuyển vào sinh sống tại Đà Nẵng. Đồng chí đã tìm kiếm điện thoại của người nhà để trao đổi, thuyết phục.

Việc trao đổi kéo dài gần hai tháng (số lượng tin nhắn qua lại mà in ra tới hơn 20 trang giấy). Nội dung chủ yếu phân tích yêu cầu phát triển của địa phương và đề cao tinh thần đóng góp của người dân, nhất là những người con xa quê. Qua đó người nhà đã đồng thuận để chính quyền xã tiến hành di dời. Phát huy phương pháp vận động này, có thời điểm trong vòng 2 tháng, cán bộ xã đã thuyết phục được bà con đồng ý di dời hơn nghìn ngôi mộ vào nghĩa trang mới, dành đất cho phát triển công nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Bình đặt mục tiêu chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, nông nghiệp hiện đại và thương mại dịch vụ. Xác định giải phóng mặt bằng là một “điểm nghẽn” lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều đề án, Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Trong đó, xác định phải đổi mới công tác dân vận theo hướng chủ động tham gia ngay từ khâu đầu và lấy người dân làm trung tâm. Với cách làm này, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 289 dự án giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện, trong đó đa số dự án được bàn giao mặt bằng đúng hạn và không phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế. Năm 2023, tỉnh Thái Bình thu hút được hơn 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay.

Xây dựng chính quyền thân thiện, vì dân phục vụ

Cùng với đổi mới công tác dân vận nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” tại các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy còn chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện, lấy người dân là chủ thể, chuyển mạnh tư duy quản lý hành chính sang phục vụ.

Là một trong những người đầu tiên được nhận thư khen của UBND xã, bác Nguyễn Thế Ry, thôn Phù Sa, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư xúc động, tâm sự: Khi địa phương mở rộng đường giao thông nội đồng, gia đình đã hiến gần 100 m2 đất nông nghiệp. Chỉ nghĩ đóng góp của mình là nhỏ nhưng lại được thư khen của UBND xã, gia đình rất phấn khởi.

Từ đó, bác và nhiều bà con thấy rằng phải tham gia tích cực hơn các phong trào thi đua của địa phương. Hình thức gửi thư khen, chúc mừng bà con nhân dân khi có niềm vui hay đóng góp vào công việc chung mới được các xã thực hiện thí điểm trong mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” theo Đề án của Tỉnh ủy triển khai từ tháng 9/2023.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thực tiễn hoạt động của chính quyền cơ sở thời gian qua tuy đã có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả, song vẫn còn một số cán bộ có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân chưa thực sự đúng mực. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ là yêu cầu tất yếu đặt ra trong tiến trình đổi mới.

Vì vậy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đề án xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Qua đó, nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, khắc phục tệ quan liêu, hành chính, cửa quyền; đổi mới tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, hướng đến sự hài lòng của nhân dân đối với chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy lựa chọn 16 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình trên. Đến nay, các địa phương đều triển khai bám sát nội dung, tiêu chí trong đề án. Trong đó chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền giúp đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi với nhân dân.

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng các mẫu thư xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng, chia buồn với người dân và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên nhân dân; niêm yết công khai các biểu mẫu, thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí và chương trình phát triển kinh tế, xã hội để nhân dân được biết. Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu thường xuyên sâu sát cơ sở, thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của người dân. Bước đầu ghi nhận mô hình đã thay đổi tư duy, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và được người dân đánh giá cao.

Tại xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, bác Nguyễn Trọng Dân, khi đến phòng giao dịch một cửa cho biết, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh, thái độ cán bộ cởi mở, gần gũi, không còn thấy sự xa cách trước kia. Còn bác Nguyễn Văn Ngọc, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà phấn khởi khi nhận được thư cảm ơn của chính quyền xã vì đã hiến hơn 10 m chiều dài đất nhà để mở đường giao thông liên xã.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Hồng Sơn cho biết, để bảo đảm tính hiệu quả của Đề án, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho từng nhóm đối tượng nhằm quán triệt sâu mục đích, ý nghĩa cũng như nhiệm vụ phải làm. Các xã triển khai hết sức nghiêm túc, bài bản. Tự Tân là một trong hai xã của huyện Vũ Thư được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Ngoài quán triệt tới từng cán bộ, công chức thực thi công vụ với tinh thần trách nhiệm cao theo phương châm: “3 luôn” (luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ),

“5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “5 không” (không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ), chính quyền xã còn quan tâm đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công việc.

Phường Bồ Xuyên của thành phố Thái Bình, khi được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình này, Đảng ủy phường đã thành lập ban chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên. Giám sát bước đầu cho thấy tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, người dân khi đến làm việc đều hài lòng.

Tỉnh ủy Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 16 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đạt hiệu quả, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, do tính hiệu quả của mô hình mà nhiều huyện như Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư… đã chủ động chọn thêm các xã khác để thực hiện nhân rộng.

Qua khảo sát thực tế cho thấy mô hình chính quyền thân thiện tại Thái Bình đang được toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt tình đón nhận. Bởi ở đó, nhân dân được đặt đúng vai trò chủ thể, vị trí trung tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng, chính quyền đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.