Cây ngã đổ la liệt khắp các tuyến đường từ thành phố Thái Bình đến các huyện, các xã, đó là những gì nhìn thấy rõ nhất trong sáng nay khi phóng viên thâm nhập địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy cho biết, suốt đêm qua tất cả lãnh đạo huyện chia nhau xuống địa bàn chỉ đạo lực lượng phòng chống lụt bão cơ sở tổ chức thu dọn, cưa cắt, phát quang thông suốt các tuyến đường phục vụ ứng cứu sau mưa bão cũng như sinh hoạt của người dân.
Cập nhật ban đầu của địa phương cho thấy thiệt hại rất lớn. Cụ thể, diện tích lúa bị ảnh hưởng và đổ ngã hơn 7.000ha (trong đó 6.000ha thiệt hại hơn 70% và khoảng 1.000ha thiệt hại từ 30-50%).
Ngoài ra, có 306ha rau màu các loại chưa thu hoạch bị hư hỏng, dập nát, khó phục hồi.
Lúa mùa ở xã Thụy Bình (huyện Thái Thụy) đổ rạp, khả năng mất trắng. |
Về chăn nuôi, có hơn 10 nghìn con gia cầm bị thiệt hại; diện tích nuôi thủy sản bị ngập, lụt gây thiệt hại khoảng 1.500ha (nước lợ 1.000ha, nước ngọt 500ha). Cây lâu năm, cây bóng mát, cây ăn quả,… bị gẫy, đổ, bật gốc hơn 27.500 cây.
Mưa bão còn làm 35 nghìn m2 mái tôn nhà xưởng, trang trại, công trình công cộng, trường học, nhà tạm của nhân dân bị tốc. Nhiều biển quảng cáo, đèn đường trang trí,… bị hư hỏng; 1 cổng chào kết cấu thép của xã bị đổ, gẫy. Hệ thống loa truyền thanh nhiều xã bị hư hỏng.
[Ảnh] Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Toàn bộ các đường dây trung thế 22kV và 35kV từ trạm biến áp 110kV Thái Thụy và Thái Hưng bị sự cố gây mất điện toàn bộ phụ tải trên địa bàn huyện (trừ Khu công nghiệp Liên Hà Thái); 17 trạm biến áp bị sự cố nổ sứ; hơn 450 cột điện bị nghiêng, đổ, gẫy. Tổng kinh phí thiệt hại ước tính hơn 350 tỷ đồng.
Nhiều ha chuối tại xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư) gẫy đổ sau bão số 3. |
Tại huyện Vũ Thư, báo cáo nhanh đến 16 giờ ngày 7/9 có 3.000ha lúa mùa bị thiệt hại hơn 50%; 1.115ha cây màu thiệt hại hơn 70%.
Nhiều diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, cây cảnh, cây lâu năm bị gãy đổ. Nhiều khu vực trên địa bàn mất điện do nhiều sự cố khác nhau như cây đổ làm đứt dây, vỡ sứ, cột nghiêng…
Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, ngay sau khi mưa bão lắng xuống đã chỉ đạo Điện lực Vũ Thư tổ chức kiểm tra khắc phục sự cố ngay trong đêm.
Ưu tiên cấp điện cho 4 đường dây có trạm bơm chống úng gồm Điếm 37, Phù Sa, Tân Phúc Bình. Trong ngày nay sẽ tổng kiểm tra các đường dây còn lại và đường dây hạ thế để tiếp tục cấp điện sinh hoạt cho bà con nhân dân.
Lãnh đạo huyện Vũ Thư đôn đốc ngành điện khắc phục sự cố, tập trung cấp điện ưu tiên cho các trạm bơm để tiêu thoát nước trong nội đồng. |
Tại huyện Hưng Hà, thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra cũng rất lớn. Theo thống kê ban đầu, có 11 trường học bị sập mái, tốc mái; Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân bị chập cháy 1 máy phát điện, hư hỏng 100m2 mái nhà, cửa kính.
Thông tin từ cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện cho biết thêm: Hệ thống đài truyền thanh, truyền hình huyện và các đài truyền thanh xã, thị trấn bị bão gió làm gẫy 10 chấn tử Anten phát sóng; 1 chấn tử Anten thu sóng; đứt 500m cáp truyền dẫn; gẫy hơn 647 cột loa, cụm loa; rơi hơn 100 cụm thu FM; rơi vỡ hơn 1.300 chiếc loa phát thanh.
Mưa bão tràn qua địa bàn huyện Hưng Hà còn gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, có 2.500ha lúa bị đổ rạp; khoảng 1.215ha cây ăn quả bị thiệt hại nặng, 385ha cây chuối bị gãy đổ, ước 1 triệu buồng bị thiệt hại.
Có hơn 1.000ha cây màu hè thu đã trồng ở các vùng chuyên màu đã hỏng, dập nát. Ngoài ra, có 5 lồng cá trên sông thuộc xã Điệp Nông, Hưng Nhân bị thiệt hại khoảng 38 tấn cá.
Có khoảng 40ha chuối ở xã Hồng An (huyện Hưng Hà) bị ngã đổ sau bão. |
Tính đến 7 giờ sáng nay (8/9), Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp của địa phương chịu thiệt hại hết sức nặng nề khi có 28 nghìn ha bị thiệt hại từ 30%-70%; 27 nghìn ha bị thiệt hại hơn 70%.
Bên cạnh đó, còn có 18 nghìn ha lúa đổ bị úng ngập; 1.215ha cây ăn quả bị ảnh hưởng từ 30%-70%; 170ha bị ảnh hưởng hơn 70%.
Về rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch có gần 600ha bị ảnh hưởng từ 30%-70%; 2.760ha bị ảnh hưởng hơn 70%.
Mưa bão đã làm sạt lở một số vị trí tuyến đê, kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng.
Công nhân ngành điện lực, viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương khắc phục sự cố. |
Về hệ thống điện, sơ bộ thống kê có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị gãy và 17 trạm biến áp bị sự cố.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Điện lực Thái Bình cho biết: Lúc 5 giờ sáng nay, các khu vực ưu tiên như trụ sở các địa phương, bệnh viện, trạm bơm đã được cấp điện trở lại.
Đến 12 giờ trưa, 50% khách hàng trên địa bàn đã được cấp điện. Điện lực Thái Bình phấn đấu hết ngày nay có 95% khách hàng được cung cấp điện bình thường.
Để khắc phục thiệt hại sau bão số 3, tỉnh Thái Bình chỉ đạo các địa phương mở các cống tiêu nước; huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức, kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Công tác vận hành trạm bơm đã được tiến hành từ 2 giờ sáng hôm nay.
Các địa phương cũng được yêu cầu kiểm tra dọn dẹp cây đổ, rà soát toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở,...) để bảo đảm giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão.
Cây đổ làm sập tường rào trụ sở Tỉnh ủy Thái Bình. |
Bên cạnh đó, khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực, bảo đảm giao thông, điện, nước, viễn thông, môi trường với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão; sớm đưa các hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường.
Tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Trong đó, có phương án cụ thể để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất.